Vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, P.16, Q.8, TP.HCM) rạng sáng 23/3 khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, 14 người bị thương khiến nhiều cư dân hoang mang. Khi xảy ra cháy nổ, ngoài kỹ năng thoát hiểm, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một số vật dụng thiết yếu.
Bình cứu hỏa
Đây là thiết bị dễ sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Bình có nhiều loại khác nhau về dung tích và hình dáng. Tuy nhiên, loại bình này chỉ có thể làm loãng đám cháy, chữa cháy trong nhà, không chữa cháy các chất cháy gốc kim loại kiềm, kiềm thổ (như nhôm, chất nổ đen…), vì sẽ cháy mạnh hơn.
Các gia đình cần đặt bình cứu hỏa ở nơi dễ nhìn thấy, khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Khi di chuyển phải nhẹ nhàng và nên kiểm tra bình thường xuyên.
Thang dây, dây thoát hiểm
Thang dây thoát hiểm
Trong trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính hay cửa thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn thì một chiếc thang dây hay dây thoát hiểm sẽ là vật dụng cực kỳ hữu ích giúp bạn thoát ra khỏi đám cháy bằng cửa sổ hoặc ban công.
Thang dây thoát hiểm có độ dài khác nhau để bạn có thể lựa chọn
Tùy theo độ cao của nhà mình, bạn có thể lựa chọn các loại dây thoát hiểm với độ dài khác nhau lên tới trên 50m (tương đương nhà 12 tầng). Khi có sự cố, bạn móc đầu thang vào thành cửa sổ, ban công có bệ chắc chắn. Mọi bộ phận của thiết bị đều chống cháy nên bạn có thể yên tâm, bình tĩnh thoát hiểm. Trọng lượng chịu tải cho phép khoảng 150 kg. Mức giá của dây từ 5 triệu đồng trở lên.
Hiện nay, có một số nhà sản xuất sử dụng loại thiết bị thoát hiểm bằng dây tích hợp gọn gàng trong ba lô. Nhờ vậy, bạn sẽ hạn chế bớt các công đoạn xử lý khi có sự cố và không cần tập luyện nhiều.
Mặt nạ phòng độc
Mặt nạ phòng độc. Ảnh minh họa
Với giá thành hợp lý (từ vài trăm nghìn đồng), mặt nạ phòng khói, phòng khí độc được bán phổ biến trong các cửa hàng trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCC trên đường Lê Duẩn, Yết Kiêu, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tưởng... (Hà Nội).
Mặt nạ chống khói có phần đầu mặt nạ làm bằng vật liệu chống cháy, bên ngoài phủ lớp màng bạc nhôm để ngăn sự bức xạ nhiệt cao, tránh gây tổn thương vùng đầu cho người đang thoát hiểm. Mặt nạ chống khói lọc các loại hơi và khí độc phát sinh trong đám cháy, đặc biệt là khí CO. Giúp người sử dụng thở và thoát hiểm trong 40 phút.
Mặt nạ chống khói được thiết kế phù hợp với mọi khuôn mặt, kể cả trẻ em. Dây đeo màu cam giúp người bị nạn có thể được nhân viên cứu hộ nhận biết dễ dàng trong đám khói. Chất liệu mặt trùm làm bằng vật liệu chống bắt lửa.
Chăn chống cháy
Chăn chống cháy được làm từ sợi thủy tinh, có thể chịu nhiệt đến 700 độ C
Cư dân ở các tòa nhà cũng nên sắm cho gia đình mình chăn chống cháy để đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn.
Chăn chống cháy còn gọi là chăn dập lửa, chăn cứu hỏa), được làm từ sợi thủy tinh, không sử dụng amiang độc hại.
Chăn này có khả năng cách nhiệt, chống cháy, chống axít và kiềm. Đặc biệt, nó có thể chịu được nhiệt độ tới 700 độ C mà không bị chảy, không cháy, không co. Khi xảy ra hỏa hoạn, chỉ cần quấn chăn vào người và nhanh chóng theo cầu thang thoát hiểm để ra khỏi vùng hỏa hoạn trong các tòa nhà, văn phòng, nhà kho…
Minh Tuệ (tổng hợp)
Theo ĐSPL, Vietnammoi