Từ khi có Chương trình Sữa học đường, các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều hân hoan trong những niềm vui. Vui vì thể lực và trí lực của các em được cải thiện từ khi uống Sữa học đường, vui vì số trẻ đến trường đến lớp đông hơn, chuyên cần hơn, khỏe mạnh hơn…
Lợi ích kép từ Chương trình Sữa học đường
Trong tiết trời lúc nắng lúc mưa thất thường ở mảnh đất từng một thời nổi danh đá đỏ Quỳ Hơp (Nghệ An), chúng tôi đi qua những đoạn đường đèo quanh co, khúc khuỷu để đến với xã Châu Hồng – một trong những xã có nhiều hộ nghèo và hoàn cảnh thương tâm. Hành trình từ thị trấn Quỳ Hợp vào đến xã cũng chỉ chừng 20km thế nhưng cái không khí ảm đạm của núi rừng cộng với những vạt đá vàng – trắng nham nhở dần hiện ra trước mắt chúng tôi trên đường đi dường như khiến mọi thứ trở nên ảm đạm hơn. Thế nhưng điều khiến chúng tôi suy nghĩ và ám ảnh nhất có lẽ chính là những câu chuyện về hoàn cảnh nhiều em nhỏ nơi đây.
Đại diện Tập đoàn TH bày tỏ quan điểm đồng hành với Chương trình Sữa học đường của tỉnh Nghệ An.
Dừng chân ở điểm trường tiểu học Châu Hồng đầu tiên, chúng tôi thực sự cảm thấy xót xa khi nhiều em học sinh nơi đây học lớp 4, lớp 5 mà chỉ nhỏ như lớp 1, 2 so với trẻ thành phố. Trao đổi với chúng tôi, các thầy cô giáo trong trường cho biết, Châu Hồng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện, nhiều em ở đây gia đình thuộc diện rất nghèo vì vậy điều kiện ăn uống, sinh hoạt còn thiếu thốn. Từ ngày tỉnh Nghệ An triển khai đề án thí điểm về chương trình Sữa học đường đến các trường thì các em có cơ hội được uống sữa học đường, điều này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sức khỏe, cải thiện thể lực và trí lực của các em. Đối với các em bây giờ mỗi ngày đi học và được uống sữa học đường thực sự là niềm vui tiếp thêm động lực để các em học tập tốt hơn.
Cách đó vài bước chân đi bộ chúng tôi ghé qua điểm trường mầm non Châu Hồng, quan sát các bé ở đây nếu so với độ tuổi thì sự phát triển có lẽ không cần cân đo cũng biết là nhiều bé có thể lực và tầm vóc chưa đạt chuẩn. Cô Trương Thị Liên – Hiệu trưởng trường tâm sự: Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà nghèo, bố mất sớm vì tai nạn lao động khi khai thác đá còn mẹ bỏ đi, khiến các em bơ vơ trở thành những đứa trẻ mồ côi khi mới chỉ 1-2 tuổi hay vài tháng tuổi. Thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của các em.
“Tới trường được ăn học đầy đủ, được uống sữa nên các bé đến trường lớp đông hơn, đều đặn hơn. Khi các bé đi học nhiều hơn, không chỉ giúp phổ cập giáo dục mà chúng tôi có điều kiện chăm sóc các bé về sức khỏe dinh dưỡng hơn, bởi ở trường lớp các bé được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giờ”- cô Liên nói.
Chương trình Sữa học đường mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi giúp trẻ cải thiện được tầm vóc, thể lực và trí tuệ.
Quỳ Hợp là một huyện miền núi có 20 xã 1 thị trấn thì có tới 14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (vùng 135) Toàn huyện có 23 trường mầm non và 26 trường tiểu học. Năm học 2016 – 2017, đã có 15.914 trên tổng số 17.916 học sinh khối tiểu học mà mầm non được uống sữa học đường, chiếm tỷ lệ 89%, tăng 25% so với năm học cũ.
Ông Đặng Thái Hường – Chuyên viên Phòng GD ĐT huyện Quỳ Hợp, phụ trách mảng sữa học đường cho biết: “Một hộp sữa đối với học sinh ở thành phố, miền xuôi không là gì, nhưng đối với những gia đình nghèo ở đây nó có giá trị rất lớn. Giá trị không nằm ở tiền mà việc duy trì uống sữa đều đặn hàng ngày giúp con họ có điều kiện phát triển về thể lực trí lực – điều mà những ông bố, bà mẹ nghèo cố gắng nhưng vẫn chưa có đủ điều kiện đáp ứng cho con”.
Có thể thấy chương trình Sữa học đường không chỉ đóng góp trong việc cải thiện thể lực và trí lực của trẻ giúp nâng cao chất lượng học tập, mà nó còn giúp các trường đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục. Đó chính là những lợi ích kép to lớn mà chương trình Sữa học đường mang lại khi được triển khai.
Sữa học đường giải pháp cải thiện dinh dưỡng hiệu quả
Thực hiện mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai theo Quyết định 1340/QĐ-TTg đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Ủy Ban nhân tỉnh Nghệ An đã xây dựng và triển khai đề án “Thí điểm mở rộng Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2016-2017”.
Tại Hội nghị tổng kết Đề án hồi tháng 7, UBND tỉnh đã vui mừng thông báo, năm học vừa qua có 311.733 học sinh tại các trường mầm non, tiểu học đã đăng ký tham gia Chương trình Sữa học đường, đạt 69% số học sinh toàn tỉnh. Chương trình thực sự thành công khi tỷ lệ suy dinh dưỡng ở học sinh và mầm non giảm mạnh so với trước khi thực hiện đề án.
Theo đó, Suy dinh dưỡng thể cân nặng ở trẻ em mầm non giảm trung bình 2,85% và ở trẻ tiểu học giảm trung bình 2,78%; suy dinh dưỡng thể chiều cao ở trẻ mầm non giảm giảm trung bình 2,75% và ở độ tuổi tiểu học là 2,39%.
Để những hộp sữa học đường đến được những điểm trường xa xôi vùng đồi núi, nhiều người dân đã cùng với các thầy cô gùi sữa đến lớp cho các em.
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là một trong những tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ khá cao. Ngành y tế tỉnh ý thức được vấn đề suy dinh dưỡng của trẻ nên đang đưa ra những giải pháp hiệu quả giúp giúp Nghệ An sớm cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Tham gia thực hiện đề án chương trình Sữa học đường tại tỉnh Nghệ An là nỗ lực của chúng tôi trong việc bảo vệ, chăm sóc của trẻ, góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ.
Để có được những thành công kể trên khi triển khai chương trình Sữa học đường không thể không kể đến những đóng góp của Tập đoàn TH – đơn vị hiện nay đang cung ứng sữa học đường cho toàn tỉnh Nghệ An. Tập đoàn được UBND tỉnh lựa chọn là nhà tài trợ triển khai chương trình vì đạt các tiêu chí: Đảm bảo thực hiện được các cơ chế hỗ trợ học sinh uống sữa học đường; có đủ nguồn lực tài chính, đủ năng lực vận hành và năng lực sản xuất cung ứng sữa cho Chương trình; có sản phẩm sữa tươi học đường TH school MILK phù hợp với tiêu chuẩn sữa tươi học đường do Bộ Y tế ban hành (theo Quyết định 5450/QĐ-BYT), bổ sung các vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ.
Không chỉ cung cấp nguồn sữa tươi học đường đạt chuẩn để thực hiện chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh, năm học vừa qua, phần chi phí hỗ trợ Chương trình đạt hơn 153 tỷ đồng, thì riêng đóng góp của Tập đoàn TH hỗ trợ hơn 138 tỷ đồng. Đồng thời TH cũng đã thực hiện cam kết của mình trong vận hành Chương trình đó là đảm bảo cung ứng đủ sữa tới các điểm trường xa xôi nhất, đặc biệt là tại các huyện miền núi.
Ngày 11.10 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết triển khai chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020. Theo dự thảo, tổng kinh phí triển khai là hơn 2.110 tỷ đồng và mục tiêu đến năm 2020, 100% học sinh ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn được uống sữa (kinh phí mỗi năm sẽ là khoảng 703 tỷ đồng).
Chương trình miễn phí 100% chi phí sản phẩm sữa đối với học sinh mầm non và tiểu học thuộc diện hộ nghèo, con thương binh, con liệt sỹ, trẻ tàn tật, trẻ mồ côi tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đối tượng cận nghèo được hỗ trợ 50%; đối tượng còn lại đóng góp 70% chi phí sử dụng sản phẩm sữa.
|
PV