Lao động bỏ trốn, nhiều người thiệt thòi
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lao động truyền thống của Việt Nam với nhu cầu tiếp nhận lớn. Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, mỗi năm, Hàn Quốc tiếp nhận trên 1 vạn lao động Việt Nam. Thực tế cho thấy, người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc ưa thích. Dù phải cạnh tranh với 14 nước khác nhưng lao động Việt Nam luôn đứng đầu về số lượng lao động nhập cảnh Hàn Quốc, chiếm trên 1/4 tổng số lao động nước ngoài làm việc tại nước này.
Tuy nhiên, những năm qua, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp chiếm tới trên 50%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của các quốc gia khác (20%). Do vậy, từ tháng 8/2012, phía Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Điều này gây thiệt hại không ít, bởi so với các thị trường lao động khác, thu nhập bình quân của lao động tại Hàn Quốc là trên 1.000 USD/tháng; trong khi thu nhập của lao động tại Malaysia hay Đài Loan chỉ từ 400 đến 500 USD/tháng.
Các lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp đã lấy mất cơ hội làm việc tại Hàn Quốc của hàng nghìn lao động khác để thay đổi cuộc sống kinh tế gia đình. Có tới 12.000 lao động đã thi đỗ chứng chỉ tiếng Hàn từ tháng 12/2011 nhưng không được sử dụng. Hàng vạn lao động đã học tiếng Hàn khác cũng chưa biết khi nào được tham gia kỳ kiểm tra tiếng Hàn, để đi làm việc tại Hàn Quốc.
Quyết tâm giành lại thị trường
|
Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về XK lao động, đồng thời nghiên cứu áp dụng việc ký quỹ với người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc. Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị phía Hàn Quốc áp dụng các biện pháp ràng buộc về kinh tế để người lao động phải về nước đúng thời hạn.
|
|
Trước thực trạng trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề ra nhiều biện pháp để trong quý II/2013 mở cửa lại thị trường này. Vấn đề then chốt là làm sao phải giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn để Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc gia hạn tiếp thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đào Công Hải- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết: Một trong các biện pháp đưa ra để “cứu” thị trường này là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Hội cựu chiến binh, Hội nông dân ở 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất cả nước để tuyên truyền, thành lập các tổ tư vấn cho người nhà lao động cư trú bất hợp pháp khuyên nhủ người thân trở về, tránh ảnh hưởng tới các lao động khác.
Mặt khác, trên cơ sở những đề xuất của Việt Nam, phía Hàn Quốc đã có một số chính sách ưu tiên cho những người lao động về nước đúng hạn như: Được tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn để quay trở lại làm việc (sau 6 tháng kể từ ngày về nước) và cho phép những người lao động trung thành (không chuyển đổi nơi làm việc trong suốt thời gian làm việc tại Hàn Quốc) được quay trở lại làm việc sau 3 tháng và không phải kiểm tra tiếng Hàn..