Sự kiện hot
13 năm trước

Nợ nần của EVN ở mức rủi ro cao

Rủi ro về nợ nần tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được "chấm điểm" là đang rơi vào nhóm nguy cơ cao, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Rủi ro về nợ nần tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được "chấm điểm" là đang rơi vào nhóm nguy cơ cao, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Tổng hợp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, đến nay, hệ số an toàn vốn của đa số tập đoàn nhà nước đảm bảo ở mức quy định (dưới ba lần). Theo số liệu của 9/11 tập đoàn kinh tế, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trung bình là 1,98%, thấp hơn mức tính trung bình cho toàn bộ các doanh nghiệp của Việt Nam là 2,33.

Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN Đào Văn Hưng: Tập đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm nguồn điện cho đất nước.
Ảnh: Lê Nhung

Tuy nhiên, một số tập đoàn lại có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tương đối cao. Điền hình là EVN với hệ số 4,25 và Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam: 3,91.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định, với những tập đoàn có hiệu quả kinh doanh cao, bền vững, lợi nhuận nhiều, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao (ví dụ cao hơn lãi suất vay nợ) thì việc vay nợ nhiều lại có tác dụng tăng thêm lợi ích.

Nhưng, ở các tập đoàn hoạt động kém hiệu quả thì càng vay nợ sẽ càng khiến cho doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, nếu vốn chủ sở hữu lớn mà doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ triền miên thì chỉ cần số nợ bằng vốn chủ sở hữu thôi cũng vẫn có thể dẫn đến rủi ro cao.

"Với cách tiếp cận căn cứ cả vào hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu và hiệu quả kinh doanh hiện nay thì EVN hiện đang có nguy cơ rủi ro ở mức độ cao", Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá.

Năm 2010, lợi nhuận trước thuế là âm 8.848 tỷ đồng. Mà một trong những nguyên nhân thua lỗ được lý giải là do Nhà nước vẫn kiểm soát giá điện. Giá điện chưa sát giá thị trường.

Tại hội nghị sơ kết mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước sáng qua (9/12), Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN kiến nghị sớm đưa giá điện lên sát mức giá thị trường. Song ngay lập tức, Thủ tướng đã khẳng định, tăng phải có lộ trình và đặc biệt cần nghiêm túc kiểm điểm tình trạng đầu tư ngoài ngành. Thực tế, EVN đã vung tay "ném" tới 2.100 tỷ đồng vào bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư.

Ngoài EVN, tình trạng nợ tại nhiều DN khác cũng ở mức báo động.

Trong đó, hệ số rủi ro mức trung bình thuộc về các tập đoàn thuộc khối xây dựng và kinh doanh bất động sản, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp xây dựng. Theo đó, một số công ty thuộc tập đoàn này đang lâm vào tình trạng không trả được các khoản nợ nước ngoài đến hạn, Ví dụ, công ty cổ phần xi măng Đồng Bành không trả được nợ gốc và lãi hơn 141 tỷ đồng và còn thiếu 607 tỷ đồng trả nợ giai đoạn 5 năm tới.

Tương tự là tình trạng không trả được nợ vay nước ngoài của Tổng công ty Cơ khí xây dựng và nhiều DNNN khác đang đề nghị được Nhà nước hỗ trợ vì đây là các khoản vay do Nhà nước bảo lãnh.

Thống kê cho thấy, năm 2010, có tới 10/11 tập đoàn (không tính Vinashin) tuy làm ăn có lãi nhưng lãi không cao so với trước và đang có xu hướng giảm dần.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 13,6%. Trong khi đó, năm 2008 là 18,15%, 2009: 14,62%.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tài sản cũng giảm rõ rệt. Nếu tại thời điểm thành lập bình quân đạt 11,1% thì năm 2009 giảm còn 6,97%, 2010: 5,32%.

Nguồn: Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Lê Nhung
Theo Vietnamnet

Từ khóa: