Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nếu đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31% vào cuối năm ngoái. TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá cao những thành quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 nhưng cũng cho biết nợ xấu không chỉ dừng lại ở con số báo cáo.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nếu đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31% vào cuối năm ngoái,
Mới đây, cập nhật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 42 , tại báo cáo chính thức trình Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196.900 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100.800 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.500 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, đến 31/12/2021, tổng nợ xấu nội bảng là 190.480 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,49%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết 42 (tại ngày 31/7/2017 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,51%).
Chi tiết, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng nợ xấu với lĩnh vực bất động sản chiếm 18,4%, tương ứng khoảng 34.700 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu đạt 1,67%; lĩnh vực tiêu dùng chiếm 25,8% với 48.650 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu đạt 2,34%; lĩnh vực BOT, BT chiếm tỷ lệ gần 4% với 7.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 6,48%; lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,01% với 28,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ghi nhận 2,87%; lĩnh vực đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm 1,13%, tương đương 2.140,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức rất cao với gần 20%.
Trao đổi với The LEADER, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá cao những thành quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 nhưng cũng cho biết nợ xấu không chỉ dừng lại ở con số báo cáo. Con số này sẽ tăng lên khi những khoản chưa phải là nợ xấu nhưng sẽ trở thành nợ xấu trong tương lai rất gần. Nguyên nhân do nhiều khách hàng vay vốn dù đã được khoanh, giãn, hoãn thời gian trả nợ nhưng vẫn chưa thu xếp được nguồn để trả nợ.
Việc các ông chủ của hai tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn là FLC Group và Tân Hoàng Minh bị khởi tố, bắt tạm giam và đang bị điều tra cũng có thể khiến nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Bởi lẽ các nhà băng sẽ tìm cách để thu được nợ nhanh nhất, kể cả đòi trước hạn, nếu các bên vay chưa thể thu xếp thì những khoản vay này sẽ thành nợ xấu.
“Việc các nhà băng đòi nợ trước hạn đối với dự án bất động sản chắc chắn không dừng lại ở 2 doanh nghiệp này, mà có thể sẽ lan đến các dự án bất động sản khác theo hiệu ứng dây chuyền”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.
Nhận định về tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuộc xung đột tại Ukraine và dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng, không trả được nợ ngân hàng. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2021.
Đến 31/12/2021, nếu đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31%. Cơ quan này nhận định, mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.
P.V
Theo ndh.vn