Đó không phải là nỗi cô đơn, mà sự sợ hãi lớn nhất của mẹ đơn thân đó là làm sao để học được cách tha thứ…
Tôi là một bà mẹ đơn thân 41 tuổi. Tôi kết hôn muộn, mãi 35 tuổi mới lấy chồng, sinh con và một năm sau đó thì li hôn. Tôi có công việc kiếm ra tiền, đó là buôn mĩ phẩm thiên nhiên online, một tháng thu nhập trung bình tầm 15 đến 20 triệu, không hơn được nữa vì khả năng buôn bán chỉ mát tay đến vậy.
"Ế vì ngoan" là một hiện tượng có thật ở gái ế thời nay mà tôi là một ví dụ. (Ảnh minh họa: Khám Phá)
Tôi không xinh cũng không quá xấu, lý do tôi lấy chồng muộn có lẽ cũng bởi vì tôi quá ngoan. Nói đến đây chắc hẳn nhiều người sẽ cười, “ngoan mà lại ế?”. Vậy đấy, có những mẫu người không hiểu vì sao lại có thể thất bại trong tình duyên đến thế, ế vì ngoan!
Tự nhận mình ngoan là bởi tôi không chơi bời đàn đúm hay nghiện ngập chơi bời, cũng không phải kiểu phụ nữ lẳng lơ, cũng không quá nhạt nhẽo để không biết phải giao tiếp thế nào để thu hút người khác. Nhưng bản chất là người hướng nội, thích đọc sách, làm việc nhà nên mãi tôi mới có bạn trai.
Anh ta và tôi gặp nhau qua một người bạn. Cảm giác ban đầu là tôi thấy cũng khá ổn, khi đó tôi cũng gần 35 tuổi, không phải trẻ trung gì để mà cành cao cành thấp. Anh ta 38 tuổi, là viên chức ở một trường đại học, có trình độ, có thu nhập, có nhà riêng, cung cách giao tiếp cũng kiệm lời, lịch sự. Chúng tôi hẹn hò và kết hôn sau 6 tháng tìm hiểu.
Chuyện kết hôn của chúng tôi là một sự kiến “đình đám” của hai họ vì hai đứa đều thuộc hội người “cao tuổi” nên hai bên gia đình hoan hỉ lắm! Và họ hoan hỉ bao nhiêu thì đến khi biết chúng tôi li hôn họ càng sốc bây nhiêu. Ai cũng hỏi lí do là gì? Tôi chỉ nói là “không hợp”. Đến chết chắc tôi cũng không dám mở miệng ra là tôi đã lấy nhầm một gã gay làm chồng. Chính tôi tận mắt chứng kiến chồng tôi “ngủ” với trai, ôm hôn thắm thiết ngay trong phòng tôi khi tôi về nhà ngoại ở cữ và quay về nhà để lấy đồ đạc.
"Giá như là chồng tôi ngoại tình với đàn bà..." (Ảnh minh họa)
Xong! Ngắn dài nước mắt, đớn đau dùng dằng vì nghĩ cho mình, nghĩ cho con mãi rồi cũng quyết định phải bỏ. Làm sao mà tôi có thể đầu ấp tay gối với một người đàn ông yêu một người đàn ông khác? Giá kể là yêu đàn bà…
36 tuổi. Một đứa con. Không nhà. Cũng may còn có công việc buôn bán. Chồng cũ bảo: “Tôi lấy cô về để làm gì thì cô hiểu, nhà này sau này con lớn tôi sẽ cho nó thừa kế, còn giờ cô mang con đi, con cô cô tự nuôi”. Ráo hoảnh! Con tôi ư? Không phải con anh sao? Tôi còn tưởng gay thì không thể có con nữa chứ! Bao nhiêu ấm ức, uất hận, tôi đành để trong lòng và mang con đi. “Thôi, máu thịt của mình – mình nuôi!”.
Con tôi giờ đã 5 tuổi. Một tay tôi nuôi nấng, chăm bẵm. Anh ta chưa bao giờ chi một xu để nuôi con dù pháp luật yêu cầu trợ cấp trên giấy li hôn. Bằng tất cả sự tự trọng và lòng khinh bỉ dành cho con người đó, tôi chưa bao giờ mở mồm ra để đòi anh ta có trách nhiệm với con. Bên nhà nội thi thoảng đón cháu về chơi, cho đồng quà tấm bánh, chỉ có vậy! Tôi cũng không trông mong gì.
Mọi người cứ nghĩ với từng ấy thu nhập, tôi sẽ ổn thỏa để chăm con. Thực tế thì “trăm dâu đổ đầu tằm”, tiền học, tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền chi tiêu, tiền bảo hiểm, tiền khóc tiền cười… đủ thứ tiền khiến cho khoản thu nhập của tôi bỗng trở nên ít ỏi. Tôi vẫn cố gắng xoay sở để con và bản thân có cuộc sống tạm ổn.
Bé càng lớn càng hay hỏi về cha, tội nghiệp là nó giống cha nó như đúc. Thế nhưng 5 năm qua tôi đếm trên đầu ngón tay số lần anh ta hỏi về con và gặp mặt con. Tôi cũng vì không muốn nhồi nhét vào đầu thắng bé những ý niệm hằn thù về cha nên chỉ nói “mẹ không ở cùng bố, bố bận đi làm kiếm tiền nuôi con”. Chuyện này tôi bị bạn bè mắng nhiều vì tội nói dối với con, thần tượng hóa một kẻ không ra gì với trẻ con là có tội. Tôi cũng chẳng biết mình đúng hay sai khi nói với con như thế, chỉ biết bản thân mình quá ngán ngẩm khi phải nhắc đến tên con người ấy nên đành dăm ba câu cho qua chuyện.
"Bên nhà nội thi thoảng đón cháu về chơi, cho đồng quà tấm bánh, chỉ có vậy! Tôi cũng không trông mong gì." (Ảnh minh họa)
Hai tháng trước, bất ngờ anh ta đến thăm con thường xuyên hơn, tỏ vẻ quyến luyến và quấn quýt, lại còn cho tiền thằng bé. Điều này khiến tôi thấy nghi ngờ. Cuối cùng thì tôi cũng biết lý do: Hắn đang mang bệnh ung thư trực tràng, di căn giai đoạn đầu.
Nhận được tin dữ mà lòng tôi dửng dưng, vô cảm đến lạ. Một người đã từng là chồng, là bố của con tôi, giờ sắp chết, lẽ ra tôi phải có những cảm xúc khác mới phải? Nhưng tôi hiểu vì sao tôi lại trở nên như thế. Người ta hay hỏi “làm mẹ đơn thân có thấy buồn, thấy sợ cô đơn không?”, tôi chưa bao giờ sợ cô đơn. Tôi chỉ cảm thấy sợ chính cảm giác của tôi lúc này: Sự vô cảm.
Sự vô cảm này bắt đầu từ đâu? Có lẽ bắt nguồn từ việc tôi khinh bỉ và không thể tha thứ cho chồng cũ, không thể tìm được một lí do gì để tha thứ, để thấy xót xa cho hoàn cảnh hiện tại của anh ta. Có lẽ với mẹ đơn thân khác, họ sợ cô đơn, sợ nhiều thứ, nhưng với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất mà tôi chưa đủ dũng cảm để bước qua là học cách tha thứ cho chồng cũ.
Hải Minh
Theo ĐSPL, Vietnammoi