Sự kiện hot
13 năm trước

Nói và làm: Còn lạm phát, tránh hò hét tăng giá

Tránh chủ quan, hò hét tăng giá khi lạm phát chưa qua. Cảnh báo này là không thừa, bởi tăng giá cần thận trọng, nới từng bước cùng với kiểm soát chặt chẽ và đo đếm được hiệu quả. Nếu không, sự trả giá sẽ rất đắt.

Tránh chủ quan, hò hét tăng giá khi lạm phát chưa qua. Cảnh báo này là không thừa, bởi tăng giá cần thận trọng, nới từng bước cùng với kiểm soát chặt chẽ và đo đếm được hiệu quả. Nếu không, sự trả giá sẽ rất đắt.

Cho đến nay, chưa bao giờ chỉ số giảm mà vẫn tăng và đang có xu hướng tăng trở lại vào cuối năm khiến con số lạm phát cả năm 2011 đang tiến tới 18%. Còn theo cách tính thông lệ của quốc tế, con số đó có thể lên đến 20%. Thế nhưng, khi con số lạm phát cuối cùng của năm chưa được chốt, đã có rất nhiều yêu cầu và đề xuất tăng giá, mở tín dụng được đưa ra.

Tuần trước, ngành điện công bố con số lỗ "đậm", lên đến trên 10 ngàn tỷ đồng. Đi kèm với đó là những cảnh báo đầy lo âu từ Bộ Công Thương rằng tăng giá là cách duy nhất, nếu không tăng thì EVN sẽ bị vỡ nợ.

Dẫu biết trong lộ trình giá thị trường thì điện sẽ phải tăng giá, nhưng với con số lỗ khủng khiếp khi chi phí chưa minh bạch, những thua lỗ trong đầu tư ra ngoài ngành cộng với đề xuất trước đó của EVN tăng giá điện đến 13% khiến cho dư luận thật khó đồng tình.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện gần như đã là chắc chắn. Trong văn bản mới đây, Bộ Tài chính đã cho biết, năm 2012, giá thành điện sẽ được tính toán nhằm cân bằng tài chính một phần cho EVN, giảm dần khoản chi phí còn "treo lại" chưa tính hết vào giá bán điện từ năm 2010. Với các nguyên tắc tính toán như trên thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện 2012 dự kiến sẽ tăng ở mức trên 10%, nhưng không cao hơn mức tăng 15,28% của lần điều chỉnh giá trước.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng một lần nữa khẳng định điều này. Như thế, giá điện chắc chắn sẽ tăng và có thể gần gấp đôi năm 2011. Tăng giá điện là điều đã lường trước và định kỳ trong những năm gần đây nhưng nếu tăng với mức này sẽ là một "cú sốc".


Giá các mặt hàng điện, xăng, nước... tăng đương nhiên giá các mặt hàng khác cũng tăng theo (ảnh SGTT)

Chưa hết, sau điện, xăng dầu cũng báo lỗ 1.800 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Chuyện kêu lỗ và được công nhận lỗ của Petrolimex dù có nhiều bất trắc nhưng rồi cũng được toại nguyện. Cách đây mấy tháng, vấn đề tăng giảm giá xăng đã bị Bộ Tài chính soi với nhiều nghi vấn trong quản lý và chi phí, nhất khi Petrolimex kêu lỗ mà vẫn công bố lãi khi cổ phần hóa. Thế nhưng Petrolimex và cả Bộ Công Thương đã kiên trì với những con số lỗ ngàn tỷ, và những cảnh báo về an ninh năng lượng và đỗ vỡ hệ thống phân phối... Tất nhiên, yêu cầu cuối cũng vẫn là không thể vì dư luận mà hạ giá mà phải tăng giá để chấm dứt lỗ. Và các DN xăng dầu liên tục xin tăng giá bất kể được chấp nhận hay không.

Đến nay, với xác nhận của Bộ Tài chính thì chuyện tranh cãi lỗ lãi vừa qua đã là quá khứ không nên nhắc lại. Tất nhiên, đòi hỏi và lộ trình tăng giá sẽ sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện.

Trên thực tế, những ngày qua, giá xăng thế giói hạ rất mạnh nhưng trong nước vẫn đứng im. Có lẽ với giá này DN vẫn chưa có lời và nếu có chưa đủ bù lỗ. Và như thế, để đù lãi theo thị trường và bù lỗ thì tăng giá cũng là cách duy nhất và được DN mong muốn nhất.

Bên cạnh đó, khi hai mặt hàng này được tăng giá thì các DN khác đang kinh doanh các mặt hàng khác như than, nước sạch, giá cước vận tải... cũng không chịu đứng im chịu thiệt.

Điều đó gần như là thực tế khi một dự thảo quy định mới về giá nước sạch đang được soạn thảo với khung giá tăng hơn nhiều lần. Còn than thì Vinacomin đã mong muốn tăng giá từ lâu mà vẫn chưa thỏa... Và khi điện tăng thì than cũng đòi, mà than lên giá thì phân bón, hóa chất, xi măng và giấy... không thể đứng im.
Nếu hai loại năng lượng đầu vào lớn của nền kinh tế này cùng tăng giá, cùng với các mặt hàng và dịch vụ quan trọng khác thì hiệu ứng tất yếu là sẽ tạo nên một làn sóng tăng giá mạnh cho toàn nền kinh tế. Đáng lo hơn, với mức giá tăng mạnh hơn như dự kiến thì lo ngại có thể diễn ra những cơn "sốc giá".

Trong khi đó, những tín hiệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy quan điểm điều hành tín dụng có những điểm nới lỏng hơn 2011. Theo đó, cơ quan này cho rằng, Chính phủ đã chặn đứng được cơn sốt lạm phát thì năm 2012, chính sách tín dụng cũng phải xem xét ở mức độ, điều kiện hợp lý hơn.
Trong đó, tín dụng với BĐS cũng sẽ có điều chỉnh để không có những hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế khi bị thắt tín dụng quá mức. Vì thế, một mặt không để cho bong bóng tăng thêm, nhưng mặt khác cũng phải khơi dậy tiềm năng đóng góp lớn của chúng cho nền kinh tế. Vì thế, đối với một số tỷ lệ cho vay tiêu dùng, cho vay phi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét ở mức độ hợp lý và phù hợp với mặt bằng kinh tế cũng như các mục tiêu kinh tế của 2012.

Với tất cả những diễn biến trên, có thể nhận thấy một năm 2012 có nhiều thay đổi những chính sách có tác động tới lạm phát như: giá nhiều mặt hàng sẽ tăng, tín dụng cho BĐS và nhóm phi sản xuất cũng nới ra... đi kèm với đó là những điều kiện thận trọng và kiểm soát chặt được cơ quan quản lý cam kết.
Những quan điểm và định hướng điều hành trên đây, ngoài thực tế giá cả chưa phù hợp với thị trường như đã nói lâu nay, thì cũng dựa trên một nhận định tích cực là lạm phát đã dần được kiểm soát trong năm 2011 và dự đoán có thể xuống dưới 1 con số trong năm 2012.

Thừa nhận các chính sách thắt chặt của Chính phủ đã có tác dụng khi lạm phát đã được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên, xin nhắc lại rằng, lạm phát với mới giảm tốc độ nhưng vẫn trên đà tăng, chỉ số lạm phát cả năm vẫn cao. Đặc biệt, nhiều chuyên gia lưu ý, sau gần 1 năm thực hiện chống lạm phát chúng ta mới chỉ có những kết quả tích cực đầu tiên nhưng chống lạm phát cần một sự kiên trì, đánh đổi và dài hơi hơn để có sự ổn định như mong muốn.

Vì thế, những chính sách cho 2012 dựa trên những dự liệu hiện nay phải hết sức thân trọng và cần được tính toán, thực hiện trong tầm kiểm soát. Nếu không, với những việc tăng giá, điều chính tín dụng như trên sẽ khiến những thành quả ban đầu có được bị mất đi.

Cảnh báo này là không phải không có có sở. Thực tế trong nhiều năm gần đây, Việt Nam liên tục dự báo sai lạm phát, thậm chí thực tế còn tăng cao gấp đôi dự báo. Từ đó khiến cho không ít lần chính sách bị lệch và phải điều chỉnh, thậm chí phải xin Quốc hội điều chỉnh cả chủ trương và các chỉ tiêu vĩ mô.

Trong khi đó, những bài học còn nóng hổi về việc điều hành giá chưa hợp lý như tăng giá quá mạnh, quá dồn dập... tạo nên hiệu ứng tăng giá bất lợi cho nền kinh tế vẫn chưa thể quên. Điều đó càng trở nên đáng ngại khi khả năng dự báo và kiểm soát giá cả của chúng ta yếu kém. Đặc biệt, bài học về vội vàng nới tín dụng quá sớm, không kiểm soát được dòng vốn đến với các khu vực cần thiết khiến cho những mong muốn hữu ích gây ra những tác động không mong muốn khiến lạm phát trở lại, vĩ mô bất ổn.

Cũng cần lưu ý rằng, trong khi người dân đang gặp nhiều khó khăn vì giá cả tăng, DN khó khăn hơn vì lạm phát và kinh tế biến động... thì những tín hiệu trên chẳng khác nào những báo động tăng giá và khó khăn cho năm 2012. Điều này càng trở nên đáng lo khi những cảnh báo kinh tế toàn cầu 2012 đều u ám.
Vì thế, với thực tế hiện nay và lộ trình đã định, việc có những điều chỉnh giá cả, tín dụng sẽ là cần thiết và phải thực hiện dần. Nhưng cũng mong rằng, chúng ta đừng quá chủ quan, hò hét tăng giá khi lạm phát chưa qua. Cảnh báo này là không thừa, bởi tăng giá cần thận trọng, nới từng bước cùng với kiểm soát chặt chẽ và đo đếm được hiệu quả. Nếu không, sự trả giá sẽ rất đắt. 

Lê Khắc
Theo VEF

Từ khóa: