Ngành nông nghiệp thủ đô đã chính thức có sự hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố phía Bắc về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật; sản xuất, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn...
Ngành nông nghiệp thủ đô đã chính thức có sự hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố phía Bắc về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật; sản xuất, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn...
Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, Lãnh đạo Sở NNPTNT Hà Nội cùng các đơn vị chức năng đã có chương trình cụ thể để liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm đặc trưng của 2 tỉnh là Bắc Giang và Lạng Sơn nhằm tạo ra được các sản phẩm an toàn cho thị trường Hà Nội.
Một cơ sở trồng rau an toàn bằng công nghệ cao tại Mộc Châu (Sơn La) cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Đồng thời, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng trao đổi kinh nghiệm trong việc sản xuất cây ăn quả, rau an toàn...; Phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật, sản xuất, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn.
Theo ông Chí, tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng quy hoạch thủ đô, nông nghiệp được coi là lĩnh vực kinh tế trọng điểm và có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa đa dạng. Hiện nông nghiệp của Bắc Giang có nhiều sản phẩm chủ lực chất lượng cao như vải thiều, rau an toàn, lạc, lúa thơm hàng hóa. Về chăn nuôi, tỉnh có 1,2 triệu con lợn, cung cấp 180.000 tấn thịt/năm; có 16 triệu con gia cầm, trong đó 14,5 triệu con gà đã được quy hoạch thành vùng nuôi tập trung với thương hiệu Gà đồi Yên Thế. Tỉnh còn có thế mạnh về thủy sản với 30.000 tấn/năm.
Năm 2012, Bắc Giang đã giới thiệu và đưa sản phẩm rau củ quả, chè của tỉnh tại hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau củ quả an toàn do Sở NNPTNT Hà Nội quản lý và thông qua Sàn giao dịch rau quả thực phẩm an toàn Hà Nội, cung cấp cho thủ đô trên 1.000 tấn gà đồi Yên Thế. Sở NNPTNT Bắc Giang thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường nông sản khu vực biên giới, khả năng cung cấp các đặc sản cho Hà Nội.
Bắc Giang cũng phối hợp với Hà Nội trong việc kiểm tra, kiểm soát quản lý vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông qua và tới địa bàn 2 địa phương; xây dựng chương trình cung ứng sản phẩm lợn thịt và một số sản phẩm giết mổ sạch cho thị trường Hà Nội...
Lạng Sơn là tỉnh nằm ở địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, ngành nông nghiệp cũng có nhiều vùng chuyên canh tập trung các sản phẩm chất lượng cao như hồi, thuốc lá, chè, cây nguyên liệu giấy, phát triển các loại nông đặc sản xứ lạnh có giá trị kinh tế cao (cây ăn quả, các loại rau đặc sản an toàn...).
Đây là những sản phẩm thế mạnh của tỉnh để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cũng cam kết xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi tập trung, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm cung ứng cho Hà Nội...
Dự kiến đến năm 2015, dân số Hà Nội đạt trên 9 triệu người. Số lượng lương thực, thực phẩm phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước dự kiến vào năm 2015 là 372.000 tấn thịt gia súc các loại, 112.000 tấn cá, 460 triệu quả trứng gia cầm, 138.000 tấn sữa, 500.000 tấn gạo tẻ chất lượng cao, 450.000 tấn rau củ tươi, 330.000 tấn quả tươi...
Thành phố đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp tại các tỉnh, thành trên cả nước có hợp tác với Hà Nội như: Được hỗ trợ 50% phí tham gia lên sàn bán buôn của Hà Nội; hỗ trợ thông tin, quảng bá miễn phí trên bản tin sản xuất và thị trường Hà Nội. Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội khẳng định, ngành nông nghiệp Hà Nội rất cần mở rộng liên kết sản xuất vùng nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao phục vụ đời sống nhân dân.
Tài Dũng
theo Dân Việt