Sự kiện hot
14 năm trước

Nữ sinh ra tay “cứu” tháp bên Hồ Gươm

Họ miệt mài cùng nhau tẩy xóa những dòng chữ thiếu ý thức đã tồn tại rất lâu nay trên tháp Hòa Phong.

Nnhiều người đã hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến hành động vô cùng đáng yêu của bốn teengirl. Họ miệt mài cùng nhau tẩy xóa những dòng chữ thiếu ý thức đã tồn tại rất lâu nay trên tháp Hòa Phong.

Giải cứu tháp Hòa Phong

Tháp Hòa Phong được xây bằng gạch mộc nằm trên vỉa hè bờ đông Hồ Gươm. Đây là phần di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân nổi tiếng, còn gọi là chùa Quan Thượng dựng đời Minh Mệnh (1842) trên nền cũ của Lầu Ngũ Long trong phủ Chúa Trịnh.

Di tích lịch sử này vốn rất quen thuộc với người Hà Nội. Và cả những dòng chữ thiếu ý thức trên tháp cũng không còn xa lạ lạ với nhiều người.

Thế nhưng, không ít người đã phải ngạc nhiên vì hành động “cứu” tháp Hòa Phong của bốn cô gái trẻ chiều ngày 21/ 2. Bốn bạn nữ sinh đại học vai vẫn còn đeo ba lô, tay mang dầu gió, tay cầm bông gòn chăm chú tẩy từng vết bút xóa xấu xí trên mình ngôi tháp cổ.

Bốn nữ sinh miệt mài làm sạch ngôi tháp cổ: Kiều Anh - Thanh Mai- Hạnh và Nga.

Các bạn cho biết, tất cả đều là sinh viên năm nhất trong đó có ba bạn Mai- Nga- Kiều Anh cùng học Đại học Dược Hà Nội, bạn Hạnh đang học Đại học Quốc Gia.

Thanh Mai- người đầu tiên nghĩ ra sáng kiến này cho hay: “Nhiều người nghĩ rằng viết bậy, vẽ bậy lên đây là một cách ghi dấu kỉ niệm. Thực ra đó là những hành động thiếu suy nghĩ, làm xấu đi ngôi tháp cổ. Đó là những dòng chữ chẳng hay ho gì. Chúng tớ chỉ nghĩ đơn giản là làm một điều gì vừa sức nhưng có ý nghĩa, thiết thực cho Hà Nội.”

Thanh Mai thật thà cho biết, xuất phát từ những lần lao động ở trường cấp ba, bạn nảy ra ý định dùng dầu gió để tẩy các vết bút xóa có trên tháp.

Anh Uwe Schwarten, một khách du lịch người Đức lập tức xin tham gia.

Mai lập tức chia sẻ suy nghĩ này với bạn thân của mình là Kiều Anh, được cô bạn thân ủng hộ nhiệt tình. Kế đó, hai bạn còn lôi kéo được cả người bạn cùng lớp đại học và… bạn của bạn là Nga và Hạnh.

Với dầu gió và bông gòn rất sẵn, bốn cô bạn rủ nhau nói là làm ngay. “Tất cả chúng tớ đều học cả ngày, thời gian để làm việc là rất ít, chỉ có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi khoảng 1- 2 tiếng thôi. Ban đầu, chúng tớ sẽ dùng dầu gió để tẩy những vết bút xóa trước, sau đó dùng cồn tẩy những vết bút dạ”- một thành viên trong nhóm vui vẻ nói.

Những vết bẩn chằng chịt, chi chít, đậm và đã lâu ngày nên không hề dễ tẩy. Thế nhưng, bất chấp cảm giác ngại ngần ban đầu, bất chấp những vết bẩn cứng đầu, cả bốn cô gái vẫn làm việc hăng say, cẩn thân. Không những vậy, tất cả còn rất hào hứng và vui vẻ nữa.

Cẩn trọng tẩy từng con chữ thiếu ý thức đã tồn tại bao nhiêu năm nay trên di tích.

“Ban đầu chúng tớ còn sợ các anh bảo vệ hoặc người quản lý di tích trông thấy có thể ra “ý kiến”, nên đã chuẩn bị trước cả lý lẽ thuyết phục rồi cơ. Nhưng tình hình có vẻ rất khả quan!”- bạn Nga chia sẻ.

Điều giản dị, đẹp rạng ngời

Những người chứng kiến hành động giản dị nhưng cũng rất “nghĩa hiệp” này đều tỏ ra khâm phục bốn cô gái. Chị Mai Hương, một hướng dẫn viên du lịch bày tỏ: “Không ngờ các bạn trẻ lại có sáng kiến hay thế. Tuy hành động rất nhỏ nhưng không phải ai cũng nghĩ ra và bỏ thời gian để làm!”

Anh Shawn- du khách người Newzealand đi cùng chị Hương nhận xét: “Những người viết bậy lên tháp thật là tệ. Nhưng những cô gái này thì quả là tuyệt vời. Tôi thấy rất ngưỡng mộ họ. Một hình ảnh đẹp về con gái Việt Nam!”

Còn Uwe Schwarten, một khách du lịch người Đức đã đi từ khó hiểu, tò mò đến hào hứng tham gia. “Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam. Một di tích quý như thế này không đáng bị đối xử như thế. Tôi hiểu điều tốt đẹp mà các cô gái này đang làm, rất đáng yêu!”- anh Uwe nói.

Nhóm bốn cô gái cũng khá bất ngờ vì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình như thế của mọi người. “Chúng tớ sẽ cố gắng hoàn thành sớm công việc này, và hi vọng, sau khi ngôi tháp được làm sạch thì mọi người sẽ cùng bảo vệ, giữ gìn. Mong rằng đừng có ai viết hay vẽ bậy lên đây nữa!”- thành viên Thanh Mai chia sẻ.

Dòng chữ viết bằng máu của học sinh xuất hiện trên phố

Theo Pháp luật xã hội

Từ khóa: