Hết cảnh lo mất đất sản xuất, rồi mất ăn mất ngủ vì lũ dữ do nhà máy thủy điện xả lũ, hàng chục nghìn người dân sinh sống nơi vùng hạ lưu các hồ chứa thủy điện Sông Tranh giờ đây lại đối mặt với âu lo mới: Động đất và thân đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt
Hết cảnh lo mất đất sản xuất, rồi mất ăn mất ngủ vì lũ dữ do nhà máy thủy điện xả lũ, hàng chục nghìn người dân sinh sống nơi vùng hạ lưu các hồ chứa thủy điện Sông Tranh giờ đây lại đối mặt với âu lo mới: Động đất và thân đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt
Mất ăn, mất ngủ vì thủy điện
Gần 1 năm trước, kể từ ngày hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tích nước và đi vào vận hành, hàng chục nghìn người dân nơi vùng rừng núi Trà My hoảng hốt khi mặt đất bỗng dưng…rung chuyển kèm theo là tiếng nổ kỳ lạ phát ra từ lòng đất.
Sạt lở bờ vai đập chính thủy điện Sông Tranh 2 sau dư chấn động đất vừa qua
Trong ký ức kinh hoàng, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My vẫn còn nhớ như in những lần mặt đất rung chuyển, hàng nghìn người dân nháo nhác lo sợ. Những ngày đó chính bản thân ông cũng không điều gì đang đợi phía trước!
“Liên tục nhiều tháng trời anh em tui ở trên ni mất ăn, mất ngủ vì mặt đất rung chuyển, kèm theo tiếng nổ dưới lòng đất. Nhìn cảnh người dân hoang mang lo lắng, với tư cách là Chủ tịch UBND huyện, tui đã phải làm đơn khẩn cầu và nhiều báo cáo gửi về tỉnh. Cuối cùng các nhà khoa học từ Hà Nội bay vào kết luận là động đất kích thích do hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2”, ông Phong kể.
Trong câu chuyện về nỗi lo thủy điện, ông Phong kể thêm: “Hồi mới nghe dự án thủy điện Sông Tranh 2 triển khai, lúc đó tui còn làm Phó Chủ tịch huyện cũng háo hức lắm. Nhưng khi dự án triển khai, lãnh đạo huyện ai cũng đau đầu về chuyện mất đất, mất rừng.
Đến khi dự án thủy điện Sông Tranh 2 triển khai, đúng là mất ăn mất ngủ, bởi hơn 1.000 hộ dân mất đất, mất nhà. Rồi mọi việc cũng tạm xong khi di chuyển hơn 1000 hộ dân đến nơi ở mới để nhường đất cho công trình thủy điện. Nhưng lại xuất hiện những âu lo mới, người dân không chịu vào khu tái định cư vì nhiều nguyên nhân. Trong đó nan giải nhất là phong tục tập quán của bà con dân tộc.
Khi mọi chuyện đã tạm ổn thì đầu năm 2011, bỗng dưng mặt đất rung chuyển, kèm theo đó là những tiếng nổ đì đùng phát ra từ lòng đất nơi hồ chứa nước thủy điện.
Công nhân đang khoan để xử lý vết nứt tại khu đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2
Để yên dân, UBND huyện đã có nhiều báo cáo và nhiều công văn khẩn cầu các cơ quan chức năng. Mãi đến cuối năm mới có đoàn công tác của các nhà khoa học Viện địa chất từ Hà Nội bay vào và sau đó kết luận là động đất kích thích do hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2. Nhưng chưa đến mức nguy hiểm.
Lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My vuốt ngực thở phào nhẹ nhõm sau kết luận của các nhà khoa học rằng động đất kích thích sẽ giảm dần theo thời gian khi hồ chứa nước ổn định. Nhưng người dân thì vẫn lo lắng, hoang mang không biết có an toàn hay không.
Tiếp theo đó vẫn là những đợt rung chấn rung chuyển mặt đất từ sau khi các nhà khoa học ra về. Bây giờ lại thêm nỗi lo mới, thân đập hồ chứa bị nứt…
Rạn nứt lòng tin vì thủy điện?
Lúc 11 giờ trưa 19/3, UBND huyện Bắc Trà My có công văn khẩn gửi UBND tỉnh và các cơ quan chức năng về tình trạng đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều vết nứt.
Mấy ngày qua, chuyện thời sự nơi thị trấn miền rừng này không phải là giá xăng, giá vàng lên hay xuống mà là chuyện động đất, chuyện vết nứt đập và chuyện đi hay ở.
Nếu ở, liệu hồ chứa có đảm bảo an toàn hay không? Còn chuyển đi thì có được đền bù và đi đâu…?
“Hồi chưa có cái thủy điện ni, bà con tui sống an lành lắm, có lo như rứa mô. Kể từ khi có cái thủy điện, không biết nhà nước được lợi chi, chứ bà con tui thì mất đất, mất nhà, rồi ngủ không yên vì động đất. Bây chừ thì đến cái đập chứa nước ni nứt. Nằm đêm nghĩ dại lỡ bờ đập hồ chứa nước mà vỡ, chắc không ai sống sót…”, ông Hồ Văn Nem, nhà ở dưới chân đập thuộc xã Trà Đốc nói.
Đơn vị thi công đang khắc phục sự cố nứt đập chính
Còn chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi bảo rằng bản thân ông cũng như người dân trên địa bàn xã đều hoang mang lo lắng.
“Nếu hiện tượng thân đập bị nứt không được xử lý và không được cơ quan chức năng sớm kết luận bảo đảm an toàn thì người dân không ai dám sinh sống ở đây…”, ông Lợi nói.
Ông Lợi bảo, ngay sau động đất xảy ra trên địa bàn, đã có hàng chục ngôi nhà dân bị nứt tường, hư hỏng, vẫn chưa được giải quyết.
Đến bây giờ, thân đập hồ chứa tiếp tục bị nứt, chắc chắn người dân khó mà yên tâm sinh sống.
Còn ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My không giấu được nỗi lo lắng.
Ông Tuấn nhẩm tính: “Mực nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nằm ở độ cao cách mực nước biển 175m, giống như một quả bom nước treo lơ lửng trên đầu người dân vùng hạ lưu.
Còn mực nước sâu tính từ đáy hồ lên mặt đập là 80m và độ cao tính từ thị trấn Bắc Trà My đến mặt nước hồ gần 100m. Với dung tích hồ chứa hơn 730 triệum3, nếu bờ đập bị nứt và giả sử xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước này thì không riêng gì thị trấn Bắc Trà My mà cả các huyện vùng hạ lưu nằm dọc theo ven sông Thu Bồn cũng bị xóa sổ là điều khó tránh khỏi..”.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My tâm sự: “Thú thực là anh em tụi tui không rành chuyên môn nên không biết phải trả lời dân như thế nào. Mấy ngày ni dân chặn đường hỏi chuyện tui cứng miệng không biết trả lời sao để cho dân yên tâm”.
Để trấn an dư luận, lãnh đạo Ban quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2, ông Trần Văn Hải khẳng định: “Hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt nằm trong tầm kiểm soát”.
"Vết nứt rò rỉ thấm nước từ lòng hồ qua đập chính với cường độ 30 lít một giây xuất hiện từ tháng 11/2011 trong phạm vi yêu cầu thiết kế, không thể gây nguy hiểm gì đến thân đập…” - ông Hải khẳng định.
Ông Hải cho biết: Những vết rò rỉ này không liên quan đến động đất. Hiện Ban quản lý đang tập trung khắc phục.
Nói là vậy, nhưng dường như những vết nứt từ thân đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 đã khiến lòng dân bắt đầu 'rạn nứt' theo?
Vũ Trung
Theo Vietnamnet