“Ôm” cả sàn chung cư nhằm bán kiếm lời từ phần chênh lệch song nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang phải “nhịn đau” dùng đủ mọi chiêu trò để bán tống các căn hộ mong hoàn vốn.
“Ôm” cả sàn chung cư nhằm bán kiếm lời từ phần chênh lệch song nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang phải “nhịn đau” dùng đủ mọi chiêu trò để bán tống các căn hộ mong hoàn vốn.
Nhà đầu tư thứ cấp khốn đốn
Anh Dũng, một nhà đầu tư thứ cấp ở Hà Nội cho biết, cách đây 2 năm, phân khúc nhà chung cư “được mùa”, vì vậy, để mua được các dự án từ chủ đầu tư, anh đã phải chạy đôn chạy đáo các mối quan hệ quen biết, thậm chí sẵn sàng dùng tiền “đi đêm” mới mua được vài căn hộ với giá gốc từ chủ đầu tư.
Những tưởng chỉ cần có được căn hộ, đóng khoảng 20% giá trị hợp đồng theo tiến độ thì anh có thể dễ dàng rao bán lại với mức giá chênh hàng trăm triệu đồng/căn.
“Chạy để có dự án từ năm 2009, đến giữa năm 2010 thì tôi được mua gần chục căn hộ tại dự án khu đô thị Dương Nội. Tuy nhiên, lúc đó giá bất động sản đang đi xuống, vì vậy tôi vẫn quyết định chưa bán, chờ giá lên mới xuất hàng. Đến nay, hầu hết các dự án này, tôi đã đóng đến 40% giá trị hợp đồng, nhưng thị trường xấu quá, giảm giá đến 20%, vẫn không có khách hỏi mua”, anh Dũng tâm sự.
Không chỉ “ôm” dự án ở Dương Nội, anh Dũng còn đang rao bán một số căn hộ chung ở đường Lê Văn Lương kéo dài, tuy nhiên vẫn không có khách mua.
Khu Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) và Lê Văn Lương kéo dài vốn được coi là có vị trí đẹp, khá thuận lợi, vì vậy, trước kia để mua được dự án, anh Dũng cũng phải khá tốn kém và vất vả. Vì vậy, giờ chấp nhận giảm giá đến hơn 20% , cũng đồng nghĩa với việc anh Dũng đang chấp nhận lỗ nặng.
Tính ra với một căn hộ chung cư tại khu đô thị Dương Nội, rộng khoảng 100 m2 (trước kia được bán với giá khoảng 23 - 24 triệu đồng/m2, khoảng 2,3 – 2,4 tỷ đồng/căn), thì giờ giảm 20%, tức là nhà đầu tư phải chịu lỗ không dưới 500 triệu đồng/căn.
Nhà đầu tư thứ cấp khốn đốn vì không bán được chung cư.
Chấp nhận lỗ đã đành, nhưng nếu không nhanh chóng bán được các căn hộ này, tôi cũng chưa biết sẽ lấy tiền đâu ra để theo tiếp tiến độ”, anh Dũng nhăn nhó.
Giống như anh Dũng, anh Cường (một nhà đầu tư thứ cấp khác ở Hà Nội) cũng đang nhăn nhó vì phải chấp nhận lỗ để bán tháo các dự án.
Trước đây, hồi năm 2009, thời kỳ bất động sản phát triển sôi động, anh Cường từng khá nổi tiếng vì là một trong những “cò” nhà đất khá ăn nên làm ra. Chỉ trong vòng 1 năm, nhờ mua đi bán lại với mức giá chênh lệch hàng trăm triệu đồng cho mỗi căn hộ chung cư, hai vợ chồng anh Cường đã sở hữu 2 mảnh đất riêng ở Hà Đông, Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng chính vì buôn đất, mà chỉ trong vòng 1 năm nay, vợ chồng anh Cường cũng đã phải bán cả hai mảnh đất đó đi để trả nợ tiền lãi vay ngân hàng.
Cách đây hơn 1 năm, hai vợ chồng anh Cường có mua 5 căn hộ chung cư tại khu đô thị Văn Khê (Hà Nội) dưới dạng hợp đồng góp vốn, đóng tiền theo tiến độ. Tuy nhiên, do thị trường trầm lắng, giá bất động sản giảm mạnh, vì vậy, vợ chồng anh Cường vẫn phải “ôm” hàng, chờ tăng giá.
Nhưng do phải đóng tiền theo tiến độ, vì vậy, mỗi đợt số tiền hai vợ chồng anh chị phải đóng lên tới hàng tỷ đồng.
“Hai vợ chồng tôi đã phải bán 2 mảnh đất ở Hà Đông đi có tiền đóng theo hợp đồng, đến nay, các căn hộ đã đóng được khoảng 60% giá trị hợp đồng, nhưng vẫn không có ai mua. Chúng tôi đã rao bán với mức giá giảm 30%, nhưng vẫn chưa bán được căn nào”, anh Cường tâm sự.
Cơ hội để người mua “ép giá”
Những diễn biến không thuận lợi của thị trường bất động sản cùng với sức ép của tiến độ đóng tiền đã khiến nhiều nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa. Chấp nhận giảm giá, nhưng nhiều căn hộ chung cư vẫn ế ẩm.
Anh Nguyễn Tiến Long, nhân viên giao dịch tại sàn bất động sản Hưng An (Đường Láng) cho biết, thời gian gần đây, Sàn giao dịch của Công ty nhận được rất nhiều hồ sơ gửi bán căn hộ chung cư, nhất là chung cư cao cấp với giá rẻ đến bất ngờ.
Theo anh Hải, hầu hết BĐS gửi bán đều là những sản phẩm mua theo dạng đóng tiền theo tiến độ và phần lớn các sản phẩm này đã đóng được khoảng trên 60% giá trị theo hợp đồng.
Thậm chí, có những căn hộ đã được đóng tiền gần đủ, chỉ chờ bàn giao nhà nhưng nhà đầu tư vẫn chấp nhận giảm giá bán để mong nhanh đẩy được hàng đi.
Cũng theo anh Long, giảm giá chóng mặt nhất là ở khu vực Hà Đông, Hà Nội như khu đô thị Dương Nội, Văn Khê, Xa La,…
Mới đây, một số NĐT đã rao bán căn hộ tại Tổ hợp Unimax trên trục đường Quang Trung, Hà Đông do CTCP Xây dựng Ba Đình 1 làm chủ đầu tư (đã đóng được 50% giá trị hợp đồng , có giá gốc 21 triệu đồng/m2) với giá 18,5 triệu đồng/m2.
“Với tình hình như hiện nay, rất có thể thời gian tới, nhiều căn hộ chung cư, nhất là các chung cư cao cấp sẽ tiếp tục giảm giá mạnh”, anh Long cho biết.
Còn theo anh Bình, nhân viên kinh doanh tại một sàn bất động sản trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội), trên nhiều website chuyên về mua bán nhà đất, có rất nhiều các căn hộ chung cư được rao bán với mức giá chủ yếu là trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Thực chất, đây là mức giá giảm khá mạnh, vì trước đây, các dự án này thường được rao bán ở mức 40 – 45 triệu đồng/m2. Tuy giảm mạnh như vậy, nhưng có nhiều căn rao bán đến hàng tháng trời vẫn phải tiếp tục đăng tin tiếp, thậm chí mỗi lần đăng lại giảm 1 – 2 triệu đồng/m2.
Liên hệ với anh Kiên để mua một căn hộ tại chung cư N1 (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội), theo giá rao bán của anh là 2,5 tỷ đồng, căn hộ tại tầng 6 với diện tích 60m2, với lời quảng cáo là “giá giảm hết mức, không mặc cả”.
Tuy nhiên, khi thỏa thuận giá trực tiếp với anh Kiên, thấy khách hàng chê đắt không mua, anh Kiên vẫn chấp nhận giảm tiếp 5% nếu khách mua ngay và trả hết tiền trong vòng 1 tuần.
Có thể thấy, nếu như trước kia, người mua thường chị các nhà đầu tư thứ cấp “ép giá”, thì nay, người mua nhà có thể nắm bắt cơ hội tốt để “ép giá” mua được những căn hộ ưng ý.
Châu Anh
Theo VTCNews