Sự kiện hot
11 năm trước

“Ông ngoại, bố cháu đâu?”

Nhìn đứa con gái chưa đầy 20 tuổi đang chơi cùng con, lòng ông Hùng đau nhói. Nước mắt ông chảy dài trên khuôn mặt gầy gò, hốc hác sau biến cố của gia đình và hành trình hơn 700 ngày mòn mỏi chờ đợi công lý cho con nhưng vẫn chưa có kết quả.

Nhìn đứa con gái chưa đầy 20 tuổi đang chơi cùng con, lòng ông Hùng đau nhói. Nước mắt ông chảy dài trên khuôn mặt gầy gò, hốc hác sau biến cố của gia đình và hành trình hơn 700 ngày mòn mỏi chờ đợi công lý cho con nhưng vẫn chưa có kết quả.


Ông Hùng khóc khi đọc lá đơn của con gái viết tố cáo T.V.B.  Ảnh: P.B

Mẹ con sản phụ nhí sống nhờ nhà bố mẹ đẻ

Gần 3 năm sau ngày sinh con, Hồ Thị Minh, trú tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội vẫn chưa hết cảm giác buồn tủi khi nói về những ngày tháng tự kiếm kế mưu sinh, mang thai và nuôi con một mình. Với một cô bé khi chưa đầy 16 tuổi, vượt qua những ngày tháng đó là điều thật không dễ dàng. Cuộc đời Minh đã thay đổi hoàn toàn kể từ ngày em phải trốn chạy vào Sài Gòn khi biết tin “người yêu” - gã sở khanh xóm bên cưới vợ.

Giờ đây, Minh và đứa con gái - cháu N.T vẫn phải bám víu vào nhà bố mẹ đẻ để sống qua ngày. Không bằng cấp, không công việc, cuộc sống của hai mẹ con Minh gần như phó thác cho số phận, cho bố mẹ đẻ.

Đối với bố của Minh - ông Hồ Văn Hùng thì gần 3 năm qua ông đã khóc cho con, cho cháu quá nhiều. Mỗi lần nhìn đứa cháu ngoại chơi ở góc sân cùng với “cậu trẻ” 5 tuổi (đứa con trai út của ông Hùng), ông lại không cầm được nước mắt. Đến giờ, con của Minh cũng đã lớn, đã biết gọi mẹ, gọi ông, gọi bà, biết trò chuyện bi bô của đứa trẻ đang tuổi hiếu động. “Nó ít hơn cậu nó vài tuổi. Nhiều lúc thấy cậu gọi bố, nó ngây ngô hỏi: “Ông ngoại, bố cháu đâu?” mà tim tôi thắt lại. Cười đùa với cháu mà nước mắt cứ chảy dài”, ông ngoại bất đắc dĩ thở dài chua xót.

Câu chuyện đắng cay của gia đình ông Hùng bắt đầu từ mối tình thơ dại của Minh từ lúc đang học cấp 2, khi mới 15 tuổi với một cậu thanh niên cùng xã. “Khi biết B (tên cậu thanh niên-PV) tán tỉnh  Minh, tôi đã nhiều lần cương quyết ngăn cản, khuyên thằng B nên để cho em nó học hành, sau này khi  đủ 18 tuổi thì gia đình không cấm chuyện hai đứa. Nói mãi chẳng thay đổi được gì, tôi phải liên hệ với người thân trên Hà Giang cho cháu lên đó học để nó chú tâm chuyện học hành. Sau khi Minh đỗ vào lớp 10 tôi mừng lắm, nhưng chỉ một thời gian ngắn nó lại nghe lời B, bỏ học về quê”.

Không lâu sau đó ông nghe hàng xóm bảo, B sắp cưới vợ, lúc ấy ông mới thực sự an tâm cho con. Ông cứ nghĩ rằng Minh sẽ trưởng thành hơn trong chuyện tình yêu và lấy đó là động lực học hành. Nào ngờ mọi chuyện thảm hại hơn, ngày B cưới vợ cũng là ngày Minh bỏ đi  không một lời từ biệt.

Hơn 700 ngày chờ đợi công lý mà chưa thấy hồi âm

Luật sư Mai Anh, Trưởng VPLS Mai Anh (Hà Nội) cho rằng, nếu thông tin đúng như gia đình cung cấp mà đến nay Công an huyện Mê Linh chưa ra kết luận thì cần xem xét lại. Gia đình anh Hùng cần có đơn tố cáo lên cấp cao hơn. Sau đó, cơ quan điều tra có thể xác định con của Minh với T.V.B có cùng huyết thống không. Từ đó, sẽ đủ căn cứ để xử lý vụ việc theo pháp luật.

Ngày Minh bỏ đi là những ngày dài gia đình ông Hùng sống trong bất an lo lắng. Bỏ việc đồng áng, bỏ những buổi chợ, ông khăn gói lên đường tìm con. Tìm ở khắp hang cùng, ngõ tận, lúc ông nhận được tin con gái đang lang thang, phiêu bạt trong miền Nam thì cũng là lúc Minh sắp sinh nở. Lòng ông như có lửa đốt. Chưa kịp vui khi biết tin của con gái thì ông đã chết lặng khi đứa con gái của mình đang mang thai và sắp đến tháng đẻ.

Thương con, ông động viên vợ - bà Đỗ Thị Huệ vào Nam để đỡ đần con gái lúc sinh nở, vì hơn ai hết, ông hiểu những lúc như vậy chẳng gì quan trọng bằng có mẹ ở bên. Ngày đón con gái và cháu ngoại về quê (lúc đó con Minh mới được 5 tháng), ông vừa thương, vừa giận. Ông day dứt mỗi lần nhìn thấy cảnh “đứa trẻ con lại nuôi đứa trẻ”, trong khi Minh không có một công việc để lo cho cuộc sống và tương lai. Nhiều lúc, ông lại thảng thốt: Giá như…

Khi con được 1 tuổi, Minh cũng xin cha mẹ sang huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) vào làm công nhân ở một nhà máy điện tử. Thu nhập mỗi tháng được 3, 4 triệu, tiết kiệm tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại, mỗi tháng Minh gửi về cho bố mẹ được hơn 1 triệu mua sữa cho con. Nhưng công việc đó cũng không kéo dài được lâu vì công ty giảm công nhân, Minh lại thất nghiệp trở về nhà bố mẹ từ Tết đến giờ. Độ tuổi như Minh, có bạn đang học đại học, đứa đi lập nghiệp ở xa, đứa thì hạnh phúc với chồng, con. Nhưng Minh thì vẫn phải cặm cụi ở nhà nuôi con trong sự tự ti và xấu hổ với hàng xóm, bạn bè. Nỗi đau đó không biết đến lúc nào sẽ chấm dứt.

Với ông Hùng, bà Huệ, thời gian cũng làm cho vết thương lòng dần lành lại. Nhưng hai năm qua, một câu hỏi mà ông chưa tìm ra câu trả lời: Vì sao những lá đơn của ông, của Minh đã được gửi đi. Công an xã, công an huyện đã về làm việc mà sao kẻ gây ra tội chưa bị đưa ra pháp luật? Sau 3 năm, vì sao ông vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng? Vì sao không khởi tố vụ án khi Minh bị ép quan hệ tình dục? Lá đơn tố cáo của Minh đã được gửi đi từ ngày 10/8/2011, đứa con Minh đã sinh, việc xác định liệu T.V.B có phải là cha của đứa bé hay không thật đơn giản. Vậy mà, hai năm qua cứ chìm trong im lặng.

“Gia đình tôi không  hiểu biết gì về luật này, luật khác. Trước đây, khi gửi đơn thì một đồng chí công an huyện Mê Linh cũng xuống hỏi gia đình tôi 2, 3 lần. Nhưng sau đó không có ý kiến gì nữa. Tôi cũng gọi điện hỏi nhưng anh ấy cứ bảo chờ và đến nay tôi đã chờ 2 năm mà không có kết quả gì. Nhiều người còn đồn thổi là chúng tôi nhận tiền để không tố cáo T.V.B. Tôi cần sự vào cuộc công minh của pháp luật”, ông Hùng cho biết.

 Động viên ông Hùng trước khi ra về, chúng tôi thấy ông quay mặt đi để giấu hai hàng nước mắt. Ông nói: “Việc như thế cũng đau lắm chứ. Nó là con gái đầu, cả gia đình, họ hàng đều hy vọng và đặt niềm tin nhiều nhất ở nó vì nó học rất khá. Nhưng giờ đây thì đến cả cái bằng tốt nghiệp cũng không có. Công việc thì như mò kim đáy bể. Cứ nghĩ đến mà ruột gan tôi đau như có ai xát muối. Bây giờ tôi chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc thật công tâm, lấy lại sự công bằng cho con, cho cháu”.

*Tên nạn nhân đã được thay đổi.

Phùng Bình
theo GĐ&XH

Từ khóa: