Sự kiện hot
12 năm trước

Ông Tây nước sạch

“Ông Tây nước sạch” là cách gọi trìu mến của đồng bào dân tộc Xê Đăng (Gia Lai) mỗi khi gặp Alain Dussarps, người đàn ông mang quốc tịch Pháp từng nhiều năm thực hiện các dự án tình nguyện tại Việt Nam.

“Ông Tây nước sạch” là cách gọi trìu mến của đồng bào dân tộc Xê Đăng (Gia Lai) mỗi khi gặp Alain Dussarps, người đàn ông mang quốc tịch Pháp từng nhiều năm thực hiện các dự án tình nguyện tại Việt Nam.

Chia sẻ về tên gọi “ông Tây nước sạch”, Alain Dussarps cho rằng đó là niềm vui của riêng ông sau thành công dự án xây dựng công trình nước sạch trợ giúp đồng bào dân tộc Xê Đăng tại tỉnh Gia Lai. Alain Dussarps thường có thói quen quay trở lại những nơi từng làm tình nguyện để chứng kiến sự thay đổi do các dự án mang lại. Khi trở lại công trình nước sạch sau vài năm, nhiều người dân trầm trồ nhận ra người đàn ông ngoại quốc với khuôn mặt đôn hậu, tóc bạc như cước.

Bay sang nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia lần thứ 45, Alain Dussarps là người nước ngoài đầu tiên được giải thưởng này vinh danh. Chi phí chi trả cho mỗi chuyến đi phần lớn là tiền tiết kiệm từ lương hưu hằng tháng. Alain Dussarps hiện giờ là Chủ tịch Hội Hợp tác kỹ thuật và văn hóa Pháp (ACOTEC), từng thực hiện hơn 300 dự án lớn, nhỏ trên phạm vi gần 50 tỉnh, thành phố.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi trao giải thưởng tình nguyện cho
ông Alain Dussarps (giữa) nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia
- Ảnh: Phan Hậu

Mỗi dự án do Alain Dussarps và cộng sự xây dựng có giá trị đầu tư không nhiều, dao động trên dưới 10.000 euro, chủ yếu tập trung vào việc tạo sinh kế, giải quyết vấn đề đời sống dân sinh cho người dân địa bàn nông thôn, miền núi. Không làm từ thiện theo kiểu trao tiền, trao quà trực tiếp cho người dân bản địa, ở mỗi vùng đất khó khăn, Alain Dussarps đều dành thời gian nghiên cứu nhằm vạch ra sinh kế, hỗ trợ người dân chăn nuôi, sản xuất để thoát nghèo. Gần đây nhất là dự án tặng dê, bò cho người dân vùng cao tỉnh Cao Bằng. Số lượng bò, dê thì ít mà người nghèo lại quá nhiều, Alain Dussarps dùng toàn bộ số tiền triển khai dự án mua dê, bò theo từng cặp khác nhau, giao cho từng nhóm hộ chăm nuôi. Đến khi sinh sản, số dê, bò mới được chia lại cho những gia đình có công chăm sóc. Chỉ sau hơn một năm, mô hình này đã giúp thêm hàng chục gia đình ở địa phương có con giống chăn nuôi.

Alain Dussarps đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1986, lúc còn làm việc tại Công ty điện lực và khí đốt Pháp, trong chuyến công tác hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện cho Viện Pasteur TP.HCM, nhưng ấn tượng về đất nước này đã có từ thời trai trẻ. Đó là thời sinh viên, Alain Dussarps nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ qua sóng phát thanh. “Chẳng biết Việt Nam có hình thù ra sao nhưng nghe bản tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ, rõ ràng nước mình là kẻ bại trận mà trong lòng lại thấy nể phục người Việt Nam nên lúc nào cũng ao ước một lần được ghé thăm đất nước này”, ông nhớ lại.

Cũng vì tình yêu dành cho Việt Nam, đến khi về hưu, Alain Dussarps quyết định dành toàn bộ thời gian, tiền tiết kiệm cho các dự án tình nguyện trợ giúp dân nghèo. Mỗi chuyến đi tình nguyện, ông say sưa thu vào ống kính máy ảnh hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Trong máy tính cá nhân của “ông Tây nước sạch” hiện giờ lưu trữ hàng nghìn bức ảnh về cuộc sống thường nhật, danh lam thắng cảnh trên khắp mọi miền Việt Nam. Ông dùng chính kho ảnh này làm tư liệu tổ chức nhiều cuộc triển lãm trên đất Pháp, giới thiệu về du lịch Việt Nam và quyên góp kinh phí cho các dự án tình nguyện.

Ngoài ảnh, Alain Dussarps còn có sở thích sưu tầm trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Hiện giờ, bộ sưu tập ở gia đình ông bên Pháp có trang phục của 33 dân tộc tại Việt Nam, đa phần là quà kỷ niệm người dân bản địa thân tặng “ông Tây nước sạch”.

Alain Dussarps cho biết, ở vùng thủ đô Paris nơi gia đình ông sinh sống vẫn còn có nhiều người nghĩ sai lệch về Việt Nam. Gặp người như thế, ông không ngần ngại chia sẻ điều mắt thấy tai nghe để họ có cái nhìn khách quan về đất nước ông đang yêu mến. Ông và nhiều bạn bè vẫn kiên trì thực hiện nhiều hoạt động quyên góp, gây quỹ làm tình nguyện.

“Công việc tình nguyện tại Việt Nam đem lại cho tôi niềm vui lớn khi được cống hiến thời gian, sức lực giúp đỡ mảnh đời kém may mắn. Ở Pháp, cũng có giai đoạn tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng nghĩ về những người dân Việt Nam còn nghèo khổ, lại thấy có thêm động lực cố gắng vượt qua. Các dự án tình nguyện tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục cho đến khi tôi không còn sức khỏe để sang Việt Nam nữa. Cũng không đáng lo, bởi hiện giờ tôi đã tìm được người kế cận rất tâm huyết với công tác tình nguyện và có tình cảm gắn bó với Việt Nam”, ông Alain Dussarps trải lòng.

Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do T.Ư Đoàn và Chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc phát động từ năm 2011, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là người Việt Nam và nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ có đóng góp tiêu biểu cho phong trào tình nguyện tại Việt Nam. Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2012 được trao cho 10 cá nhân, tập thể lựa chọn từ 170 hồ sơ đề cử, ứng cử. Ông Alain Dussarps là người nước ngoài đầu tiên được giải thưởng này vinh danh.

Phan Hậu
Theo Thanhnien

Từ khóa: