Sự kiện hot
13 năm trước

PG Bank lãi lớn từ đâu?

Đến hết năm 2011 PG Bank vẫn phải chật vật với yêu cầu tăng vốn, nhưng đây cũng là nhà băng ở nhóm đầu về khả năng tạo lợi nhuận.

Đến hết năm 2011 PG Bank vẫn phải chật vật với yêu cầu tăng vốn, nhưng đây cũng là nhà băng ở nhóm đầu về khả năng tạo lợi nhuận.

Lợi nhuận trước thuế 2011 của PG Bank đạt 608 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2010.

Đến ngày cuối cùng của năm 2011 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) mới phát đi thông báo về đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ.

PG Bank buộc phải tăng vốn bởi đã hai năm qua vẫn chưa thể xử lý xong yêu cầu đảm bảo vốn pháp định (3.000 tỷ đồng). Đây cũng là thành viên đứng ở cuối bảng của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam về quy mô vốn điều lệ, cũng như cả quy mô tổng tài sản.

Thế nhưng, sau năm 2010, qua năm 2011, đây cũng là thành viên có khả năng tạo lợi nhuận hàng đầu trong hệ thống, cả ở tốc độ tăng trưởng lẫn các chỉ số cơ bản như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA).

Theo thông tin cơ bản đã công bố, kết quả kinh doanh của PG Bank năm 2011 như sau: tổng tài sản đạt 17.889 tỷ đồng, tăng 9%; dư nợ cho vay đạt 12.112 tỷ đồng, tăng 11%; huy động vốn đạt 10.927 tỷ đồng, giảm 22%; lợi nhuận trước thuế 608 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần lợi nhuận năm 2010 (293 tỷ đồng) và bằng 108,5% kế hoạch năm.

Ở góc nhìn trực quan, kết quả trên lập tức thu hút sự chú ý của thị trường bởi mức lãi trước thuế là “khủng” hơn cả những đàn anh có quy mô vốn từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng; hay 2011 được xem là một năm sóng gió đối với các ngân hàng nhỏ trước “cơn bão” thông tin về tái cấu trúc mà PG Bank lại ở nhóm nhỏ nhất…

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng PG Bank được thừa hưởng quá nhiều lợi thế từ cổ đông chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), mà lợi ích cụ thể có thể đơn giản là từ các sản phẩm quản lý dòng tiền, dịch vụ thanh toán… với quy mô rất lớn do đặc thù hoạt động của Petrolimex (?). Tuy nhiên, trả lời VnEconomy về điểm này, một lãnh đạo của PG Bank nói rằng lợi thế đó có thể “hạch toán” cụ thể chỉ hơn 40 tỷ đồng trong cơ cấu lợi nhuận 2011.

Còn ở góc nhìn hiệu quả kinh doanh, năm 2011, trên cơ sở các dữ liệu cơ bản đã lần lượt công bố, nhiều khả năng PG Bank sẽ có mặt ở top 5 ngân hàng có ROE và ROA cao nhất. Năm 2011, ROE của PG Bank là 23% và ROA là 2,7%.

Với những dữ liệu đó có thể khẳng định đây là một trong số ít ngân hàng thương mại có lãi lớn trong năm 2011, xét theo các chỉ số cơ bản hoặc trong tương quan ngành. Vấn đề còn lại là lãi lớn đó có từ đâu?

Lợi thế và lợi ích từ cổ đông lớn là Petrolimex ít nhiều cũng đã có thông tin bước đầu như đề cập ở trên. Trong khi đó, một bất ngờ cũng từ chính lãnh đạo PG Bank đưa ra là hiệu quả cao nhất của ngân hàng này trong năm 2011 lại có ở khu vực nông nghiệp - nông thôn. Dù không nêu con số cụ thể, nhưng vị lãnh đạo này cho hay, trong năm 2011, chi nhánh Đồng Tháp với hoạt động chủ yếu ở khu vực đó đã dẫn đầu hệ thống về khả năng tạo lợi nhuận (một phần cũng có thể giải thích là PG Bank có xuất phát điểm kinh doanh từ địa bàn này).

Còn theo phân tích cơ bản, đóng góp lớn nhất cho lợi nhuận của PG Bank năm 2011 vẫn là thu nhập lãi thuần, dự kiến chiếm tỷ trọng trong khoảng 87% - 90%. Trong đó, dự kiến riêng nguồn thu từ lãi tiền gửi có thể đạt gần gấp 3 lần năm ngoái (năm 2010 có 157 tỷ đồng). Ở phần chủ yếu là tín dụng thì năm 2011 ngân hàng này có được một tỷ lệ chênh lệch lãi suất cho vay với lãi suất huy động bình quân khá cao, dự tính đạt khoảng 4,8%.

Phía sau tỷ lệ lãi biên cao thường vẫn có lo ngại tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng. Thực tế, dữ liệu cập nhật gần nhất cho thấy tỷ lệ nợ xấu của PG Bank dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân ngành nhưng cũng đã gia tăng đáng kể, từ 1,42% cuối năm 2010 lên 2,18% vào thời điểm tháng 9/2011.

Ở một chỉ số khác, PG Bank hiện cũng là một trong những ngân hàng thương mại có hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao, hiện khoảng 16% trong khi quy định của Ngân hàng Nhà nước tối thiểu là 9%.

Minh Đức
Theo VnEconomy

Từ khóa: