Đợt nóng dữ dội mấy ngày qua khiến anh Nam (35 tuổi, thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An) tái phát bệnh trầm cảm và tự treo cổ chết trong nhà riêng.
Đợt nóng dữ dội mấy ngày qua khiến anh Nam (35 tuổi, thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An) tái phát bệnh trầm cảm và tự treo cổ chết trong nhà riêng.
Trưa 3/5, người thân phát hiện Nguyễn Thế Nam đã treo cổ trong nhà liền đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện cấp cứu nhưng không kịp. Theo người nhà, nạn nhân vốn có tiền sử trầm cảm, bệnh đặc biệt trở nặng trong những ngày nắng nóng này, và anh đã tìm đến cái chết.
Nói về trường hợp của anh Nam, một bác sĩ ở Bệnh viện tâm thần Nghệ An cho biết, hiện chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về mối liên hệ biện chứng giữa nắng nóng và bệnh tâm thần. Tuy nhiên, những ngày nhiệt độ lên đến 39 - 41 độ C như vừa qua, người bình thường cũng luôn cảm thấy khó chịu, cáu gắt. Bệnh nhân có tiền sử bị trầm cảm hoặc tâm thần đều là những người đã có sang chấn về mặt tâm lí, có những tổn thương về thần kinh, nếu gặp nắng nóng quá, thần kinh của họ sẽ bị kích thích mạnh và phát bệnh trở lại nếu không được chăm sóc đúng cách,...
Những ngày nắng nóng này, có hơn 300 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tâm thần Nghệ An. Ảnh: N.K
Mới chỉ qua hai đợt nóng nhưng người nhà của bệnh nhân Vân, 42 tuổi ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã rất vất vả vì chị Vân phát bệnh.
"Chị gái tôi đang yên đang lành bỗng nhiên lăn đùng ra khóc rồi đòi mặc quần áo ấm, chạy lông nhông ngoài đường, buộc phải đưa đi viện. Trước đây, chị cũng đã phải nhập viện tâm thần điều trị nhiều lần. Các mùa khác thì không vấn đề gì nhưng vào mỗi mùa nắng chị tôi đều phát bệnh", em gái của chị Vân thở dài ngao ngán.
Không riêng gì trường hợp của chị Vân mà tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An, vào mỗi mùa nắng nóng, lượng bệnh nhân đến viện luôn tăng đột biến. Đa số là những người có vấn đề về tâm thần kinh, những đối tượng tâm thần cơ nhỡ, không nơi nương tựa, những người phải vào viện tâm thần vì uống rượu hoặc các chất kích thích khác.
Mùa nắng nóng năm nay mới chỉ bắt đầu nhưng nhiệt độ đã đạt ngưỡng kỉ lục, nhiều nơi ở Nghệ An lên đến 41- 42 độ C. Đây cũng là những ngày cao điểm ở Bệnh viện tâm thần Nghệ An.
Ông Trần Thái Côi, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp cho biết, có hơn 300 bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại đây, những ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày có 100 bệnh nhân đến khám.
Những ngày nắng nóng, hôm nào cũng có bệnh nhân nhập viện tâm thần. Ảnh: N.K
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Việt, Khoa cấp tính nữ của Bệnh viện tâm thần Nghệ An cho biết, hiện có 70 người bệnh điều trị tại khoa, đa số đều liên quan đến thời tiết nắng nóng. Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân mới nhập viện, đa số họ đều là những người đã có tiền sử bệnh, bị tái phát vì thời tiết và điều kiện chăm sóc.
"Mùa nắng cũng là mùa của bệnh tâm thần bởi lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng cao, các y, bác sĩ cũng rất vất vả trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân", ông Việt cho biết.
Vấn đề chăm sóc bệnh nhân có tiền sử tâm thần trong những ngày nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo, gia đình người bệnh cần tạo điều kiện để họ không ra nắng, tốt nhất là được ở trong phòng có máy lạnh hoặc quạt mát. Tăng cường chế độ ăn uống, chăm sóc, tắm rửa cho người bệnh,... Nếu có điều kiện thì có thể cách li bệnh nhân với các loại tiếng ồn, chỗ đông người để tránh việc bệnh nhân bị kích động.
Không riêng gì bệnh viện tâm thần, trong những ngày nắng nóng, tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh ở Nghệ An đều quá tải. Tại Bệnh viện Nhi, từ ngày 28/4 đến 3/5 có gần 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị, tăng gấp 5 lần những ngày bình thường.
Hàng trăm bệnh nhân la liệt chờ đến lượt khám ở Bệnh viện đa khoa Nghệ An ngày 3/5. Ảnh: Nguyên Khoa
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, trong hai ngày 2 và 3/5, có hơn 1.000 bệnh nhân đến khám. Tại các khoa như thần kinh, tim mạch, lượng bệnh nhân vào viện tăng đột biến khiến cho bệnh viện phải kê thêm giường ở các hành lang, khoa, phòng cho bệnh nhân.
Các bác sĩ cho biết, những loại bệnh tăng đột biến trong mùa nắng nóng ở người lớn là thần kinh, tâm thần, tai biến mạch máu não, tim mạch, hô hấp. Ở trẻ em là các bệnh về tiêu hóa, sốt virus, hô hấp và truyền nhiễm.
Theo VNE