Tháng 7/2012, dư luận lại bất ngờ khi phạm nhân Huỳnh Thị Giáng Kiều – 29 tuổi (ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), thụ án 13 năm ở trại An Phước (Bình Dương) về tội mua bán chất ma túy, cũng có thai.
Oanh đã được giảm án, còn Kiều thì chưa có quyết định cụ thể. Người lớn đã đạt mục đích, còn những đứa trẻ sinh ra trong tù, sống tuổi thơ trong tù và lớn lên sẽ ra sao?
Chuyện con voi chui qua lỗ kim
Nữ tử tù mang thai trong phòng biệt giam là chuyện chưa từng xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Vậy mà nó diễn ra ở trại tạm giam công an tỉnh Hòa Bình năm 2007. Oanh là nữ tử tù phạm tội liên quan đến ma túy, đã làm đơn xin ân xá, bị Chủ tịch nước bác đơn. Trong khi chờ thi hành án, Oanh mang thai. Chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích nhưng lại có thực khiến dư luận bức xúc. Bởi ở nơi được canh phòng cẩn mật như thế, tử tù, phạm nhân đã mất tự do, vẫn làm được cái việc “tày trời” ấy, quả không đơn giản chút nào.
Vụ việc đã được điều tra, đã xác định ra bố của đứa trẻ và cán bộ liên quan đã bị xử lý, và thị Oanh từ nữ tử tù được giảm án xuống chung thân và chuyển về trại giam Xuân Nguyên (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thụ án.
Phạm nhân Huỳnh Thị Giáng Kiều và đứa con mới sinh
Về sai phạm của những cán bộ liên quan, pháp luật đã xử lý nhưng có một điều là chúng ta chưa xử lý được sự lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để được giảm án của thị Oanh. Để được được giảm án, được nuôi con trong tù, thị Oanh đã gây ra biết bao phiền toái cho xã hội, cho những người thực thi pháp luật? Thị đã lách luật tới mức mà người ta ví, con voi to như vậy cũng chui qua được lỗ kim.
Những người giúp thị thực hiện sự hành vi vi phạm đã bị xử lý nhưng hậu quả xấu mà họ mang lại cho người thân là danh dự, uy tín, nhân phẩm bị bôi bẩn vì đồng tiền, không bao giờ có thể lấy lại được. Điều quan trọng nữa là, thị Oanh đã được giảm án từ việc lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật.
Bị ê chề – vẫn chấp nhận
Phạm nhân Huỳnh Thị Giáng Kiều có được đình chỉ thi hành án để nuôi con hay không vẫn đang là một ẩn số. Những cán bộ liên quan đến việc để cho nữ phạm nhân này tự do mang thai chắc chắn sẽ bị xử lý, thiếu tướng Hồ Thanh Đình – phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII – Bộ Công an đã khẳng định như vậy.
Ngoài cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân ở phân trại K1 – nơi phạm nhân Kiều làm tổ trưởng, bị xử lý ra thì toàn trại cũng bị ảnh hưởng lây, bị cắt thi đua, cán bộ đến hạn nâng lương bị tạm thời đình lại để xem xét… Tóm lại, hệ quả cho hành vi vi phạm là rất lớn. Nhưng, với phạm nhân Kiều, chắc chắn, thị không suy nghĩ gì lớn lao như vậy mà đang rất vui vì được nghỉ lao động, được hưởng “chế độ chăm sóc đặc biệt”.
Vụ nữ tử tù Oanh có thai ở phòng biệt giam, nhiều cán bộ trại đã bị tước quân tịch, bị xử tù, bị ê chề với đồng nghiệp, chắc chắn luôn là bài học nhãn tiền cho cán bộ trại giam. Thế mà, vẫn xảy ra chuyện phạm nhân nữ có thai khi đang cải tạo.
Điều khó hiểu nữa là Kiều có thai đến tháng thứ 8, cán bộ trại giam mới phát hiện ra. Cứ cho rằng, Kiều là tổ trưởng, được quyền “giám sát”, báo cáo về các phạm nhân khác trong tổ, vậy, các phạm nhân khác không phản ánh gì về sự “khác lạ” của Kiều sao? Hay sự phản ánh đều được “vô tình bỏ qua” hết?
Vụ nữ tử tù Oanh mang thai, phải khẳng định rằng, Oanh là người “hưởng lợi” nhất và những người ê chề nhất là cán bộ quản giáo. Bởi thị Oanh làm “chuyện đó” với phạm nhân nam không phải 1 lần mà nhiều lần. Chỉ vì sự thiếu trách nhiệm – nói vậy cho văn hóa – chứ thực tế là vì sức mạnh của đồng tiền nên cán bộ mới canh cho tử tù “làm chuyện ấy”.
Với những người thân của các cán bộ này, những ngày sự việc bị phanh phui, quả là khủng khiếp. Bố, mẹ và vợ người quản giáo tên Th đã hoảng loạn trước cái nhìn khó hiểu của hàng xóm. Nếu không vì tiền, sao lại đánh đổi cả sự nghiệp, danh dự, nhân phẩm của mình vì một tử tù như thế? Nói thiếu trách nhiệm chỉ là ngụy biện, bởi cán bộ được đào tạo bài bản, làm sao thiếu trách nhiệm đến mức để cho phạm nhân phạm tội đến cùng, đến mức để lại hậu quả là có thai mới phát hiện ra?
Khi chính sách nhân đạo bị lợi dụng
Việc phạm nhân Huỳnh Thị Giáng Kiều, 29 tuổi, ở trại giam An Phước có thai đến tháng thứ 8, cán bộ trại mới biết cũng là điều đặc biệt. Cái đặc biệt hơn là cả thị Oanh và Kiều đều phạm tội liên quan đến chất ma túy. Kiều bị phạt 13 năm tù, đã thụ án được 8 năm 6 tháng. Nhưng so với Oanh, Kiều có sự khác biệt. Đó là Kiều dấn thân vào con đường phạm tội sớm hơn. Oanh có gia đình, chồng, con rồi mới bị vào tù nhưng Kiều thì khác. Kiều chưa có chồng, khi vào tù còn rất trẻ, mới 20 tuổi nên có thể những khao khát bản năng mạnh mẽ hơn đối với người đàn bà từng trải khi buôn ma túy và đã từng có chồng, có con như Oanh.
Cựu Kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát quân sự TW – Nguyễn Đình Minh cho rằng: Xét ở góc độ con người với con người thì trường hợp của phạm nhân Kiều được cảm thông và có thể chia sẻ đôi chút. Còn trường hợp của thị Oanh thì chỉ có thể lý giải rằng, giữa cái sống và cái chết đang cận kề, bản năng con trong người thị trỗi dậy mạnh mẽ hơn bản năng người nên thị ta mới làm cái điều không tưởng ấy trước mặt nhiều tử tù nữ khác trong phòng biệt giam.
Để thoát được cái chết, thị ta trở về đúng thời nguyên thủy trong cái gọi là đấu tranh sinh tồn chứ không hề có yếu tố người trong toan tính đó. Nếu thị ta có yếu tố người thì phải nghĩ cho đứa con (mình dự định sinh ra) – đó là bản năng và thiên chức của người mẹ – sinh ra trong tù sẽ như thế nào? Tuổi thơ trong tù sẽ đau đớn ra sao? Hết hạn ở với mẹ, về với cuộc sống bình thường gặp tai ương như thế nào? Đấy mới là người mẹ đúng nghĩa. Còn lợi dụng chuyện có con để được giảm án như Oanh thì phản ánh đúng cái gọi là “bản năng con” mà thôi.
Theo cựu Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đình Minh, Oanh và Kiều là những phụ nữ ích kỷ, thiếu tính vị tha. Họ chỉ lợi dụng con để mưu cầu giảm hình phạt cho bản thân mà thôi, tức là họ chỉ yêu bản thân họ chứ không yêu con. Bởi Oanh và Kiều thừa biết, mang thai trong điều kiện tù tội sẽ rất không tốt cho thai nhi về cả dinh dưỡng lẫn tinh thần. Thế mà cả hai vẫn “yêu” đến cùng để có thai. Các phạm nhân này thừa biết, sinh con ra, con chỉ được ở với mình 36 tháng tại trại, sau đó, đứa trẻ phải trở về với người thân của mẹ … Ngay từ trong bụng, đứa trẻ đã không được hưởng những sự chăm sóc tốt nhất của mẹ 3 năm đầu đời, ở tù với mẹ, nếu bố cũng là phạm nhân – tù tội, đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào.
|
theo Người Đưa Tin