Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 5,45 điểm (+0,54%) lên 1.014,32 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 3,6 điểm (+0,37%) lên 979,95 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 234 mã tăng/199 mã giảm, ở rổ VN30 có 16 mã tăng, 12 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu. Bên cạnh đó, nhóm midcap và nhóm smallcap lần lượt tăng 0,44% và 0,09%.
Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 03/12 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:
BSC: Khuyến nghị đối với cổ phiếu LPB
Theo BSC, LPB vẫn đang ở trong xu hướng tăng trung hạn từ đầu tháng 4 cho đến nay. Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang tăng dần nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên đà tăng có thể được duy trì trong thời gian tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của LPB nằm tại khu vực xung quanh giá 12. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 15.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 11.25 bị xuyên thủng.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu NLG
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, cổ phiếu NLG tăng 1% lên 29,500 VNĐ/cổ phiếu.
Keppel Land thông báo bán 30% vốn tại dự án Waterfront Đồng Nai cho NLG, giá trị thương vụ khoảng 1,950 tỷ đồng thanh toán làm 2 đợt và dự kiến hoàn tất giao dịch vào nửa đầu năm 2021. Sau giao dịch, Nam Long nắm 100% cổ phần dự án, dự kiến phát triển 3,000 sản phẩm nhà ở thấp tầng, ra mắt sản phẩm từ đầu năm 2021.
NLG cũng có kế hoạch chuyển nhượng 70% phần vốn trong dự án này cho đối tác Nhật Bản, dự kiến nếu thành công sẽ đem lại 490 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu ACV
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, cổ phiếu ACV tăng 0.8% lên 72,000 VNĐ/cổ phiếu.
ACV vừa công bố tài liệu tổ chức ĐHĐCĐ ngày 15/12 để thông qua quyết định đầu tư dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không.
ACV có trách nhiệm xây dựng hạ tầng chung, công trình tại khu bay, sân đỗ tàu bay, hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá số 1, tòa nhà điều hành cảng và các công trình phụ trợ khác.
MBS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu POW
MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu POW với giá mục tiêu 12.700 đồng do nhu cầu phụ tải điện dự kiến phục hồi trong năm 2021 với mức tăng trưởng 8-10%, cùng với điều kiện thủy văn thuận lợi cho thủy điện và giá nhiên liệu đầu vào đang ở mức thấp cho nhiệt điện khí.
Giá mục tiêu được xác định dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 16,6 lần (theo EPS 2021F khoảng 764 đồng).
Lãi ròng Q3 2020 giảm 85% n/n còn 105 tỷ đồng do (i) sản lượng điện sản xuất trong kỳ giảm, trong đó Nhà máy điện Cà Mua 1&2 giảm 5,5% n/n, nhà máy Nhơn Trạch 1 giảm 45,6% n/n, nhà máy Nhơn Trạch 2 giảm 31,5% n/n do thực hiện trung tu từ 15/09, (ii) biên LN gộp giảm mạnh từ 15% xuống còn ~9% do phát sinh chi phí bảo dưỡng định kỳ nhà máy điện Vũng Áng, và (iii) tăng trích lập dự phòng ~68 tỷ đồng đối với các khoản phải thu khó đòi từ tiền điện của EPTC/EVN. Doanh thu hợp nhất Q3 giảm ~23% n/n còn 6.112 tỷ đồng.
Lũy kế 9T2020, lãi ròng giảm 41% n/n. Tổng sản lượng điện giảm 8% n/n còn 15.104 triệu do (i) dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ điện, (ii) tình hình thủy văn không thuận lợi trong nửa đầu năm 2020 ảnh hưởng đến sản lượng của nhà máy thủy điện Hủa Na (-33% n/n) và Đakđrinh (-15% n/n), (iii) sản lượng Qc được phân bổ cho NMĐ Nhơn Trạch 1 rất thấp (-63% n/n), (iv) thực hiện trung tu nhà máy Nhơn Trạch 2 khiến sản lượng điện giảm 14% n/n, và (v) trích lập dự phòng 332 tỷ đồng với khoản phải thu khó đòi từ EPTC/EVN. Doanh thu hợp nhất đạt 21.795 tỷ đồng, giảm ~17% n/n.
MBS kì vọng sản lượng điện của POW sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 9,4% n/n trong năm 2021 đến từ nhu cầu phụ tải điện tăng mạnh nhờ kinh tế phục hồi, tình hình thủy văn thuận lợi và sự bổ sung nguồn khí mới từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt.
VCSC: Khuyến nghị đối với cổ phiếu VHC
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) sẽ tham gia đợt chào bán công khai 49,89% cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC) của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - dự kiến diễn ra ngày 09/12/2020. Với giá khởi điểm là 97.500 đồng/CP, VCSC ước tính VHC sẽ chi tối thiểu 348 tỷ đồng cho lượng cổ phần này. Giá khởi điểm tương ứng P/E trượt của SGC đạt 23,8 lần, theo ước tính của VCSC.
Theo thông tin công bố từ SGC, SGC là 1 trong những công ty sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu tại Việt Nam với thị phần trong nước hiện ở mức 80%. Công ty có 3 nhà máy sản xuất bánh phồng tôm tại Đồng Tháp, đồng thời là địa điểm mà VHC đặt cơ sở sản xuất chính, và 1 nhà máy sản xuất thực phẩm làm từ gạo tại TP. HCM. Trong năm 2019, SGC ghi nhận doanh thu đạt 319 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 33 tỷ đồng, so với LNST sau lợi ích CĐTS năm 2019 của VHC là 1,2 nghìn tỷ đồng. Bánh phồng tôm chiếm 80% doanh thu năm 2019 của SGC. 56% doanh thu của SGC đến từ xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Mỹ và EU.
Theo VHC, bên cạnh việc mở rộng vào thị trường bánh phồng tôm, động thái thâu tóm tiềm năng này sẽ hỗ trợ các sản phẩm phi lê cá tra của công ty thâm nhập tốt hơn đến các kênh bán lẻ tại thị trường nước ngoài, thông qua tận dụng mạng lưới phân phối hiện hữu của SGC.
VCSC sẽ đánh giá chi tiết hơn về diễn biến nay khi có thêm trao đổi với ban lãnh đạo công ty về chiến lược tiềm năng và kế hoạch thực hiện, trong trường hợp VHC thành công thâu tóm cổ phần tại SGC.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho VHC với giá mục tiêu 60.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 38,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,2%, dựa theo giá đóng cửa ngày 2/12.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU