Sự kiện hot
10 năm trước

Phát hiện nhiều sai phạm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

ĐS&TD - Kiểm tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (từ năm 2004 đến tháng 11/2012), Thanh tra Chính phủ phát hiện rất nhiều sai phạm, thiếu sót...


Phối cảnh Dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Theo Thanh tra Chính phủ, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ năm 1998 với kỳ vọng “là thành phố khoa học tầm cỡ quốc gia”, “là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cấu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới”… Tuy nhiên qua thanh tra đã phát hiện quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc còn những thiếu sót, vi phạm.

Cụ thể, việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghệ cao này còn chậm, thuyết minh quy hoạch có một số nội dung sai lệch, chưa phù hợp với thực tiễn, cập nhật số liệu hiện trạng chưa chính xác, thiếu quy định về các khu vực cấm xây dựng. Việc lập dự toán và thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng có nhiều vi phạm trong các giai đoạn thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán làm tăng không đúng giá trị tổng dự toán các gói thầu với số tiền trên 40,1 tỷ đồng; thi công xây lắp, điều chỉnh giá theo quy định và nghiệm thu thanh toán với tổng số tiền vi phạm trên 10,2 tỷ đồng.

Tại dự án dò mìn khu vực 600ha, hồ sơ hoàn công và chứng từ thanh quyết toán có nhiều mâu thuẫn và chưa đủ căn cứ pháp lý, số liệu hạch toán về chi phí nhân công và chi phí máy thi công của đơn vị thi công chênh lệch tới trên 7,1 tỷ đồng (chiếm 35% giá trị quyết toán). Thanh tra Chính phủ cho rằng dự án này cần phải được cơ quan chuyên môn kiểm tra làm rõ.

Giao đất trái quy định

Theo kết luận thanh tra, tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghiệp Bắc Phú Cát tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) đều không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không thể hoàn thành trước ngày 31/12/2012 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện không đồng bộ, hiện tượng dân tái lấn chiếm, chây ì, cơi nới, xây dựng công trình trong khu vực dự án diễn ra phức tạp nhưng không được xử lý triệt để.

Kết luận thanh tra nêu rõ, “hiện tượng chuyển nhượng trái phép diễn ra thường xuyên không quản lý được, đền bù sai đối tượng sử dụng đất; nhiều khu vực đã xây dựng dự án nhưng chưa được đền bù, hỗ trợ; khiếu nại tố cáo liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra thường xuyên nhưng chưa giải quyết dứt điểm”.

Ở đây đã xảy ra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, áp đơn giá bồi thường không đúng; bồi thường vượt hạn mức, hỗ trợ không đúng chính sách, giao đất cho Công ty TNHH Toàn Thắng trái quy định, sử dụng tiền bồi thường đất công ích không đúng chính sách, xét giao đất tái định cư sai quy định… với tổng số tiền vi phạm trên 16,5 tỷ đồng.

Việc đền phù giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Bắc Phú Cát trên địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai (Hà Nội) không đối trừ 50% tiền sử dụng đất khi đền bù cho người được chia tách đất; hỗ trợ sai chính sách, sử dụng sai mục đích tiền thu của dân nộp tiền sử dụng đất tái định cư, tiền đấu giá đất và chưa chi trả tiền bồi thường đất công ích cho xã với tổng số tiền vi phạm trên 46,7 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ rõ: quy hoạch và đầu tư xây dựng khu tái định cư tại huyện Quốc Oai không đáp ứng được nhu cầu tái định cư, tiến độ xây dựng khu tái định cư chậm, điều chỉnh công năng khu thể thao công cộng giao cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng Trung tâm thương mại và nhà ở sai mục đích. Đến tháng 4/2013, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng, chưa thu tiền đầu tư hạ tầng và tiền sử dụng đất của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Lã Vọng số tiền trên 46,23 tỷ đồng, chưa thu tiền lãi chậm nộp tiền sử dụng đất từ tháng 1/2011.

Chưa hết, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam đường tỉnh lộ 420, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ năm 2008 đến nay chưa hoàn thành; Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, UBND huyện Thạch Thất, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Ban Quản lý các dự án huyện Thạch Thất, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Ban quản lý các dự án của huyện thiếu trách nhiệm trong công tác tái định cư, không giải phóng được mặt bằng sạch để thi công dứt điểm các hạng mục hạ tầng, vốn từ ngân sách nhà nước cấp để tồn đọng không sử dụng, các hạng mục đang thi công dở dang phải dừng thi công hơn 2 năm gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước và của các nhà thầu, không thu hồi vốn tạm ứng, thanh toán bê tông nhựa hạt mịn không đúng khối lượng thi công thực tế trên 5,76 tỷ đồng.

Yêu cầu thu hồi đất, kiểm điểm BQL Dự án

Trên cơ sở những sai phạm đã xác định, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, quản lý khai thác quỹ đất, thu hút đầu tư và chưa kịp thời phát hiện để chấn chỉnh những thiếu sót, vi phạm của Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

“Chỉ đạo kiểm điểm lãnh đạo Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thời kỳ từ năm 2004 đến tháng 11/2012, các đơn vị thuộc Ban và các cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra, có biện pháp xử lý phù hợp”- Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị.

Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội kiểm điểm rút kinh nghiệm về các thiếu sót, khuyết điểm liên quan đến chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm và xem xét trách nhiệm đối với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai và các cá nhân có liên quan đến những vi phạm trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư; tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chưa thu tiền sử dụng đất và tiền đầu tư hạ tầng của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Lã Vọng từ tháng 1/2011 với số tiền trên 46,23 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện Thạch Thất và các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm những trường hợp xây dựng, cơi nơi trái phép, mua bán chuyển nhượng trái quy định. Giải quyết dứt điểm đúng quy định của pháp luật các vụ khiếu kiện của người dân về đền bù giải phóng mặt bằng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định.

Về xử lý kinh tế, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hồi gần 3 tỷ đồng từ 3 đơn vị, nộp ngân sách Nhà nước; yêu cầu các nhà thầu thi công khắc phục, hoàn trả dự án tài sản, vật tư còn thiếu khi bàn giao số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Giảm trừ quyết toán đối với các đơn vị thực hiện các dự án đường các tuyến A, B, C, E; dự án Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao… với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.

“UBND TP Hà Nội thu hồi diện tích 30.619 m2 đất đã giao cho Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Lã Vọng trả lại cho dự án tái định cư của huyện Quốc Oai để xây dựng khu thể thao và các công trình công cộng”- thông báo kết luận thanh tra nêu rõ.

Tổng công ty Vinaconex thu hồi số tiền 910,49 triệu đồng từ 2 đơn vị thi công hạng mục san nền, đường giao thông Khu công nghiệp Bắc Phú Cát: Công ty cổ phần xây dựng số 21 phải nộp 339,5 triệu đồng và Công ty cổ phần xây dựng 12 phải nộp gần 571 triệu đồng.

UBND huyện Quốc Oai bố trí vốn trả lại dự án tái định cư Vai Réo theo đúng tiến độ được phê duyệt với số tiền trên 15 tỷ đồng; yêu cầu UBND xã Phú Cát nộp lại khoản tiền trên 1,63 tỷ đồng về ngân sách huyện Quốc Oai.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời kiểm tra, rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn vi phạm, không triển khai đầu tư theo quy định.

Nguyễn Dũng

Từ khóa: