Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt không chỉ với riêng Việt Nam mà đối với toàn nhân loại. Cho đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số ca mắc ở nhiều địa phương vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong thời khắc đầy khó khăn này, phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, các cấp, ngành, địa phương và toàn dân đã và đang chung sức, đồng lòng kịp thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bài bản, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã và đang đe dọa nghiêm trọng an toàn và sức khỏe của nhân dân ta. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập rơi vào tình trạng hết sức bấp bênh… Đặc biệt hiện nay, Việt Nam bước vào một giai đoạn đầy thách thức khi dịch bệnh bùng phát trở lại với cường độ mạnh hơn, tốc độ lây nhiễm của chủng mới tăng gấp nhiều lần.
Thế nhưng, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Chính phủ. Mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch. Chúng ta tiếp tục được chứng kiến một Việt Nam đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.
Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể đẩy lùi dịch bệnh.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết của cả dân tộc sẽ góp phần tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Trong lời kêu gọi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Đại dịch Covid-19 đang đặt nhân loại trước những thách thức mới, tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thấy nguy cơ của đại dịch và có chiến lược, sách lược, nguyên tắc ứng phó kịp thời, hiệu quả. "Mục tiêu kép" chúng ta đề ra đang được vận hành rất sáng tạo, quyết liệt ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp, hơn lúc nào hết để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cần sự chung tay, góp sức của mỗi cán bộ, chiến sĩ, của mỗi người dân và đồng bào ta ở nước ngoài. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19".
Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta đã chạm đến trái tim của mỗi người, hiệu triệu toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
Trên tinh thần khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân tương ái", nỗ lực vượt khó của dân tộc ta, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi các lực lượng chống dịch tuyến đầu: Cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, nhà báo, đội tình nguyện… tiếp tục thi đua, thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ đồng bào; đồng thời bảo đảm an toàn chống dịch. Các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần và sức mạnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức...
Ðồng sức, đồng lòng vượt qua đại dịch
Nhìn lại cuộc chiến chống dịch từ đầu năm 2020 đến nay, có thể thấy, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc. Với quan điểm xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, muôn người như một, trên tinh thần vào cuộc quyết liệt, quyết đoán, không ngại khó khăn, gian khổ, đã không ai đứng ngoài trong cuộc chiến đầy cam go này.
Từ Trung ương tới địa phương với các Bộ, Ngành ở các cấp, cùng đoàn thể và toàn dân ta chung tay, góp sức đối phó với đại dịch vốn đang hằng ngày, hằng giờ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng chống dịch.
Trong những ngày chống dịch rất khẩn trương, chúng ta rất tự hào, xúc động với đội ngũ những y, bác sĩ, nhân viên y tế đã không quản hiểm nguy, ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân ở những bệnh viện dã chiến tuyến đầu. Bằng tinh thần dấn thân không ngại hiểm nguy, khó khăn, vất vả, những “chiến sĩ áo trắng” cả nước mạnh mẽ lên đường vào tâm dịch, thể hiện quyết tâm, tinh thần đoàn kết chia lửa với đồng nghiệp và trên hết là bảo vệ sức khỏe cho đồng bào mình.
Cùng với đó là những bóng áo xanh của cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện... luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, kịp thời giúp đỡ nhân dân, căng mình tham gia phòng, chống dịch. Họ luôn vững vàng, kiên cường cho trận chiến đầy cam go và thách thức này…
Người dân hằng ngày đều thấy được sự sát sao, những nỗ lực bất kể ngày đêm của cả hệ thống chính trị các cấp. Các cuộc họp bất kể giờ giấc, các cuộc kiểm tra đột xuất liên tục sáng, chiều tại tất cả các địa bàn, các điểm nóng; các chỉ thị, hướng dẫn của các cấp lãnh đạo cao nhất được đưa ra liên tục theo sát mọi diễn biến dịch bệnh... đủ để không một địa phương nào, không một đơn vị nào, không một người đứng đầu nào dám lơ là phòng, chống dịch.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến trong các nhà máy, xí nghiệp là những công nhân đang ngày đêm “3 tại chỗ” để làm ra của cải vật chất, vật tư y tế, thuốc men… hỗ trợ cho tiền tuyến chống dịch. Cũng phải kể đến những tình nguyện viên ở khắp các thôn xóm, tổ dân phố, bằng sức lực nhỏ bé của mình, nấu những suất ăn miễn phí, gom góp nhu yếu phẩm cung cấp cho người khó khăn, lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ… Những đóng góp thầm lặng, ý nghĩa nơi hậu phương đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho tiền tuyến chống dịch vững tin chiến thắng dịch bệnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh.
Có thể thấy rằng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… “Triệu trái tim như một”, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Tạ Thành
Theo KTDU