Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hiếp dâm tại TAND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) ngày 23/6 đã khép lại. Không có những giọt nước mắt hối hận của bị cáo cũng như người sinh thành ra bị cáo. Phía sau vụ án để lại nhiều điều suy ngẫm.
Kẻ phạm tội trong phiên xử đứng trước vành móng ngựa là Trịnh Văn Đại, bị Viện KSND huyện Vĩnh Lộc truy tố về tội hiếp dâm theo khoản 2 Điều 111 Bộ Luật hình sự.
Đáng nói là cả bị hại và bị cáo đều là trẻ em chưa thành niên (cùng năm sinh 1999), độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, bị hạn chế về nhận thức cũng như kinh nghiệm và kỹ năng sống.
Sau vụ án hậu quả để lại đối với nạn nhân - em Trần Thị Th, học sinh lớp 11 là vô cùng lớn bởi sự mất mát về tinh thần và sức khoẻ khi em còn quá trẻ, sau cú sốc này không biết tương lai của em sẽ ra sao?
Theo lời của cha mẹ bị cáo, Đại là kẻ “lêu lổng, lười học ham chơi”. Nhưng giá như các bậc phụ huynh quan tâm dạy dỗ giáo dục đúng cách, đặc biệt trong bối cảnh mà xã hội chúng đang phải đối mặt với thực trạng môi trường văn hoá bị “ô nhiễm”, đạo đức xuống cấp bởi mặt trái của kinh tế thị trường, bởi thời đại công nghệ số thì sự đáng tiếc này có thể không xảy ra.
Bị cáo Trịnh Văn Đại
Nhìn vẻ mặt bần thần, kham khổ, gầy guộc của mẹ bị cáo Đại tại phiên toà, những người dự thán không khỏi chạnh lòng. Ai sinh con ra mà lại không thương. Tục ngữ có câu: “Con vua, vua dấu, con chấu, chấu thương”. Lòng cha mẹ thương con có thể hy sinh cho con rất nhiều, nhưng thay vì thương con bằng cách động viên con khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, thì họ lại “mớm” cho con mình phủ nhận hoàn toàn lời khai trước đó với cơ quan điều tra cũng như đơn tự thú.
Có đến hai luật sư tham gia bào chữa cho Đại, nhưng luật sư lại cáo buộc cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mặc dù điều này đã bị HĐXX bác bỏ là không có cơ sở. Thiết nghĩ với trách nhiệm của những người am hiểu pháp luật đáng lẽ cần động viên cho Đại thành khẩn khai báo đồng thời tư vấn cho gia đình bị cáo có những động thái tích cực nhằm bồi thường về vật chất và tinh thần cho bị hại để giành được sự cảm thông chia sẻ của gia đình bị hại cũng như sự khoan hồng của pháp luật.
Điều đó, đồng thời với lời phản cung của bị cáo trước Tòa, cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng “ép cung” và “mớm cung” trong khi không có cơ sở, cho thấy bị cáo chỉ “trẻ người” trong hành vi phạm tội chứ không “non dạ” trong cách thức phủi tay, chối tội đối với tội lỗi mình đã gây ra.
Phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các em gái vị thành niên là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi bị xâm hại về tình dục, nhất là trường hợp nạn nhân bị hiếp dâm, không chỉ thiệt hại về thể chất mà còn là những thiệt hại về tinh thần mà nhiều khi không gì có thể bù đắp được.
Khi trở thành nạn nhân của tội phạm hiếp dâm, đời sống của những bị hại ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là đời sống tâm lý, tình cảm của họ. Những hậu quả tâm lý mà nạn nhân của vụ án hiếp dâm phải gánh chịu vô cùng nặng nề trong khi nạn nhân của đa số các tội phạm khác không phải hoặc ít khi rơi vào tình trạng tương tự.
Chính vì vậy, việc bảo vệ phụ nữ nhất là trẻ em gái - người chưa thành niên, là trách nhiệm của toàn xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước trên thế giới đều có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em gái.
Pháp luật trừng trị kẻ phạm tội là cần thiết, tuy nhiên sẽ không phải dùng chế tài hình sự đối với người chưa thành niên nếu gia đình, nhà trường làm tròn bổn phận, và xã hội luôn trong sạch, không bị “ô nhiễm” môi trường văn hóa.
Qua vụ án này lại gióng lên hồi chuông về sự suy đồi đạo đức từ ngay lớp trẻ. Thiết nghĩ các bậc cha mẹ nếu không muốn con mình phạm tội phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, giáo dục đúng cách.
Đặc biệt là trẻ em vị thành niên như tờ giấy trắng, ngoài trách nhiệm của nhà trường thì cha mẹ phải trang bị cho con em mình các kiến thức về kỹ năng sống, hàng ngày giáo dục để lớp trẻ có được nhận thức đầy đủ về lối sống và đạo đức của con người, biết phân biệt đúng, sai để vững vàng trước những cám dỗ mà không bị sa ngã.
theo Công lý