Dantin - Sau phiên đấu thầu vàng đầu tiên ngày 28/3/2013 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức lại khiến giá vàng trên thị trường tăng thay vì giảm. Đồng thời, chỉ có 2.000 lượng được bán ra trong tổng số 26.000 lượng vàng đem đấu thầu.
Dantin - Sau phiên đấu thầu vàng đầu tiên ngày 28/3/2013 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức lại khiến giá vàng trên thị trường tăng thay vì giảm. Đồng thời, chỉ có 2.000 lượng được bán ra trong tổng số 26.000 lượng vàng đem đấu thầu.
24.000 lượng vàng không ai mua
Mời 40 đơn vị tham gia phiên đấu thầu, nhưng chỉ có tổng số 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký tham dự. Tại phiên đấu thầu, cũng chỉ có 17 đơn vị tham dự chính thức, trong đó 15 đơn vị bỏ phiếu trắng.
Khi NHNN chính thức công bố giá sàn đấu thầu là 43,81 triệu đồng/lượng (không có giá trần) và lập tức gây ngạc nhiên lớn ở các thành viên tham gia. Đại diện một thành viên tham gia đấu thầu thốt lên: “Không hiểu NHNN có ý gì khi đưa ra mức giá này và khả năng các thành viên sẽ không đặt giá”. Lý do gây thắc mắc lớn là giá sàn NHNN đưa ra quá cao so với giá thị trường cùng thời điểm. Lúc đó giá vàng miếng SJC trên thị trường chỉ là 43,37 triệu đồng/lượng.
Kết quả đấu thầu được NHNN thông báo vào đầu giờ chiều cùng ngày: Chỉ có 2/21 đơn vị trúng thầu với mức giá bằng giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng, mỗi đơn vị trúng thầu 1.000 lượng vàng. Hai đơn vị trúng thầu được công bố là ngân hàng ACB và Cty Phú Quý. Số vàng còn lại là 24.000 lượng. Giải thích nguyên nhân số vàng đem đấu thầu còn ế quá nhiều, đại diện một số đơn vị tham gia cho biết: Điều đơn giản và dễ hiểu nhất là giá vàng đấu thầu đã cao hơn giá vàng ngoài thị trường, như vậy chấp nhận giá của NHNN thì doanh nghiệp sẽ thiệt.
Nhiều thành viên tham gia đấu thầu cũng cho biết họ chẳng hiểu 2 đơn vị đó chịu mua vàng với mức giá cao như thế để làm gì? “Có thể, một số ngân hàng chấp nhận như vậy do đến ngày 30/6, các ngân hàng sẽ phải hoàn tất các trạng thái huy động vàng, hoàn trả toàn bộ số vàng đã huy động trước đó cho dân”,đại diện một doanh nghiệp tham gia đấu thầu lý giải..
Sau phiên đấu thầu, giá vàng tăng mà không giảm.
Tác động ngược
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Còn mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước với thế giới không được ông đề cập.Tuy nhiên, sau phiên đấu thầu, mục đích đó không những không thực hiện được mà còn gây tác động ngược.
Mức giá sàn quá cao lập tức tác động đến giá thị trường. Vài phút trước khi vào phiên đấu thầu chính thức, giá mua - bán vàng miếng SJC từ mức 43,35 - 43,45 triệu đồng/lượng giảm còn 43,22 - 43,37 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, sau khi NHNN đưa ra giá sàn đấu thầu 43,81 triệu đồng/lượng, ngay lập tức giá vàng miếng SJC ngoài thị trường tăng vọt lên 43,65 - 43,8 triệu đồng/lượng. Sau khi phiên đấu thầu kết thúc, giá vàng miếng SJC trên thị trường giảm nhẹ, tuy nhiên đến cuối ngày giá vàng miếng SJC tăng vọt lên 43,7 - 43,85 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới giảm 3 USD/ounce so với buổi sáng, xuống 1.602 USD/ounce (tăng 10 USD so với ngày 27/3). Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới từ 2,75 triệu đồng/lượng trước đó đã tăng lên 3,34 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Cty Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam phân tích, với cách đấu thầu trên, NHNN trở thành đơn vị kinh doanh vàng. Mà kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. Trong phiên đấu thầu, NHNN định giá chủ yếu dựa theo giá thế giới nhưng với sự phòng ngừa rủi ro quá lớn.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, sau phiên đấu thầu đầu tiên, NHNN khẳng định chưa thể giải bài toán nguồn cung và chờ các phiên đấu thầu tiếp theo. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là NHNN đang đứng ra kinh doanh vàng và không có một đơn vị kinh doanh nào chịu lỗ khi tham gia thị trường.
Một thắc mắc khác là vì sao NHNN lại đưa ra mức giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng mà không phải mức giá trần? Như thế, liệu NHNN có thật sự muốn đưa 26.000 lượng vàng ra thị trường hay không? Rõ ràng mức giá sàn cao mà NHNN đưa ra đã tạo kỳ vọng giá vàng tăng cho thị trường. Trong khi đó, mục đích của việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng - theo NHNN - là nhằm đưa giá vàng trong nước bám sát giá thế giới.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - nhận định: “Đấu thầu vàng về mặt vĩ mô thì là ý tốt tạo nguồn cung cho thị trường. Thế nhưng khi đi vào chi tiết kỹ thuật thì đúng là có vấn đề, cần xem lại NHNN có ý gì. Mức sàn đấu giá vàng vô tình đẩy giá trên thị trường tăng thay vì giảm. NHNN cần có lời giải thích khi đưa ra mức giá này”.
Theo thông tin từ phía NHNN, các phiên đấu giá vàng sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên thông tin về số đơn vị tham gia và số vàng được đem đấu thầu chưa được tiết lộ.
Hải Minh