Phiên giao dịch thứ hai của năm 2012, các chỉ số chứng khoán Mỹ gần như đi ngang, bất kể đồng Euro sụt mạnh xuống mức thấp nhất trong gần một tuần qua so với đồng bạc xanh của Mỹ.
Phiên giao dịch thứ hai của năm 2012, các chỉ số chứng khoán Mỹ gần như đi ngang, bất kể đồng Euro sụt mạnh xuống mức thấp nhất trong gần một tuần qua so với đồng bạc xanh của Mỹ.
Giới đầu tư lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ, bất chấp những cơn gió độc từ phía châu Âu.
Chốt ngày 4/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 21,04 điểm, tương ứng 0,17%, lên 12.418,42 điểm. S&P 500 nhích 0,24 điểm, tương ứng 0,02%, lên 1.277,30 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,36 điểm, tương ứng 0,01%, xuống 2.648,36 điểm.
Khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq chỉ đạt có 6,23 tỷ cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 7,84 tỷ cổ phiếu của năm 2011.
Với kết quả trái chiều nhưng biên độ tăng giảm không lớn này, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ về cơ bản đã giữ được mức tăng mạnh trong phiên đầu tiên của năm mới, tránh được cảnh bán tháo khi đồng Euro sụt giá mạnh.
Hôm qua, dấu hiệu căng thẳng mới nhất về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã xuất hiện từ ngân hàng UniCredit của Italy. Cổ phiếu của ngân hàng này giảm gần 10%, song nhóm cổ phiếu ngân hàng trên các sàn Mỹ hầu như không bị tác động.
Chỉ số KBW ngân hàng tại Mỹ thậm chí còn tăng 0,34%, bất kể chỉ số các ngân hàng châu Âu trượt mạnh 1,6%. Điều này đã mang lại thêm sự lạc quan cho giới đầu tư cổ phiếu về khả năng trụ vững của thị trường trước các cơn gió độc từ nợ công.
Thêm vào đó, trong ngày hôm qua, thị trường cũng đón nhận thông tin tích cực là số đơn đặt hàng mới tại các nhà máy của Mỹ đã tăng mạnh, cùng doanh số bán xe hơi tháng 11 lạc quan hơn dự báo.Khác với thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu đồng loạt đỏ lửa.
Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,55% xuống 5.668,45 điểm. Chỉ số DAX của Đức trượt 0,89% xuống còn 6.111,55 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ mạnh 1,59% xuống 3.193,65 điểm.Đóng cửa trước đó, các sàn châu Á cho kết quả trái chiều. Ở chiều tăng điểm, thị trường Nhật Bản dẫn đầu với chỉ số Nikkei 225 tăng được 1,24% lên mức 8.560,11 điểm. Về chiều giảm điểm, thị trường Trung Quốc hạ mạnh nhất, với 1,37% xuống 2.169,39 điểm.
Dương Lâm
Theo VnEconomy