Sự kiện hot
3 năm trước

Phòng, chống dịch Covid-19: Sức mạnh của cộng đồng gắn kết

Dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến cuộc sống đảo lộn, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, trong khó khăn hoạn nạn, tinh thần dân tộc, những đức tính quý báu của con người Việt Nam lại càng được thể hiện rõ nét.

Giãn cách nhưng không hề xa cách.

Giãn cách nhưng không hề xa cách.

Gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân

Trong những ngày này, chúng ta đang phải đương đầu với những khó khăn, phức tạp do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 lan rộng, tốc độ lây lan rất nhanh, biến chủng khó lường. Số bệnh nhân vẫn không ngừng tăng, lượng người trong khu cách ly tập trung ngày càng lớn, số địa phương buộc phải phong tỏa, giãn cách nhiều thêm. Chính lúc này, sự đồng lòng chống dịch của mỗi tổ chức, cá nhân đã củng cố thêm sức mạnh chống dịch của toàn Đảng, toàn dân ta. Họ đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh bùng phát, chúng ta vẫn luôn xác định không chủ quan, coi thường, luôn giữ tinh thần chủ động để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu có thể xảy ra. Từ những ứng phó, ứng xử kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, nhân dân trong “cuộc chiến phòng chống” dịch bệnh đã cho chúng ta những bài học quý mang đậm triết lý nhân sinh.

Đó là sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân. Mỗi quyết sách của Chính phủ xuất phát từ lợi ích của nhân dân đều được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đã trở thành cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng từng bước nhận diện, khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh, tạo môi trường, không gian lành mạnh cho toàn dân. Yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, thử thách.

Sáng 26/8, lần thứ ba Thủ tướng trực tiếp vào kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, nhưng đây là lần đầu tiên ông tới trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, và cũng chỉ sau ít giờ kể từ khi kết thúc phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau kiện toàn vào tối muộn 25/8.

"Cần vừa làm, vừa động viên nhân dân, muốn nhanh hết dịch cần chấp hành nghiêm việc giãn cách. Chúng ta chịu khổ 5, 10, 20 ngày còn hơn là chịu khổ cả tháng, cả năm không làm được gì cả. Chịu khổ thời gian ngắn để cuộc sống sớm bình thường trở lại", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng chống dịch, thăm hỏi, động viên người dân trong vùng cách ly phong tỏa, ở TP. Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cũng lưu ý các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương cần chuẩn bị nhu yếu phẩm để cung ứng cho người dân không chỉ trong một tuần, 2 tuần, 3 tuần hoặc lâu dài hơn. Công tác chuẩn bị nhằm đảm bảo người dân an tâm "ai ở đâu ở yên đấy".

Trong suốt buổi kiểm tra, thông điệp được Thủ tướng nhắc nhiều lần, đó là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng cần chú trọng đến công tác an sinh xã hội, không để người dân bức xúc.

Thủ tướng nhắc lại, nếu chiến thắng Covid-19 thì đây là chiến thắng của người dân, vì vậy, cần thuyết phục, kêu gọi người dân chung tay trong thời điểm hiện tại.

Đặc biệt, ở thời điểm TP.HCM thực hiện 2 tuần giãn cách nghiêm ngặt, Thủ tướng khẳng định, chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức, cần áp dụng nguồn lực của phường, huy động từ người dân, tận dụng sự giúp đỡ của thành phố và bên ngoài để giúp đỡ người dân.

Trong thực hiện tận dụng nhân lực của địa phương, tự tổ chức, tự làm, quá trình làm có sáng tạo để tận dụng thời gian vàng ngăn chặn dịch.

Cũng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, hàng loạt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ được ban hành kịp thời, nhiều phương án, biện pháp được triển khai nhằm cảnh báo tới mọi người dân mức độ nguy hại của dịch bệnh, đồng thời nâng cao nhận thức và sự đồng thuận, thống nhất giữa các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Với tiêu chí “Chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, dành mọi ưu tiên tốt nhất để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời, giữ gìn sự ổn định, không để xảy ra những xáo trộn, lo lắng, hoang mang trong xã hội.

Lại nhắc đến những thông tin xã hội, bên cạnh “dòng” thông tin chính thống, hữu ích, thì những tin giả (fake news) xuất hiện tràn lan trên internet và mạng xã hội thường gây hoang mang, lo lắng, bi quan cho không ít người. Những thông tin xấu, tin giả với mục đích “câu view”, xuyên tạc, bịa đặt cũng được coi là một loại "dịch bệnh xã hội" mà đôi khi tác hại của nó còn nguy hiểm hơn virus. Vì thế, bài học đối với mỗi người dân khi tiếp nhận thông tin là cần bình tĩnh, có bản lĩnh, trình độ để phân biệt, nhận diện đúng - sai. Từ đó lên án, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân.

Chung tâm thế vì một cộng đồng sẻ chia

Bên cạnh sự căng thẳng, lo âu của toàn xã hội trước mối nguy hại, thì trong “tâm bão” của dịch bệnh, chúng ta vẫn thấy hình ảnh của những y bác sĩ, tình nguyện viên và nhiều người dân đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, có những hành động, việc làm ý nghĩa, tốt đẹp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Đội ngũ y tế luôn luôn là "lá chắn thép" ở tuyến đầu chống dịch. Hết truy vết thần tốc, lại giành lấy sự sống cho bệnh nhân nguy kịch, các thầy thuốc – những "thiên thần áo trắng" - không biết đã bao lần lao vào vùng dịch để bảo vệ sức khỏe người dân.

Tác nghiệp trong tâm dịch, đôi khi ống kính của những nhà báo, phóng viên cũng nhòe đi vì những giọt nước mắt của chính mình cứ tự nhiên rơi, không kìm lại được. Đôi khi góc máy không kịp đặc tả gương mặt hay ánh mắt mà chỉ là dáng hình từ phía sau những hình ảnh người thầy thuốc vững tựa như những anh hùng bước vào trận chiến - một trận chiến không tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt.

Để có thể tác nghiệp tại khu vực cách ly đặc biệt, các phóng viên phải mặc đồ bảo hộ đúng quy định. Ảnh tư liệu: Quốc Dũng/TTXVN

Để có thể tác nghiệp tại khu vực cách ly đặc biệt, các phóng viên phải mặc đồ bảo hộ đúng quy định. Ảnh tư liệu: Quốc Dũng/TTXVN

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, phóng viên của các tờ báo đã không quản ngại khó khăn, đi vào "điểm nóng" để tìm hiểu, phản ánh khách quan, đa dạng các thông tin về dịch. Từ đó, đưa đến cho bạn đọc những thông tin hay, hình ảnh đẹp, nhất là giúp người dân có cái nhìn đầy đủ về diễn biến, cũng như công tác phòng, chống dịch để cùng chung tay góp sức vào công cuộc chống dịch.

Cũng trong thời điểm này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tỏa sáng lên hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đang thực hiện công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, giúp đỡ người dân trong việc tiếp cận lương thực, thực phẩm, thuốc men và những thứ thiết yếu khác.

Bộ đội dầm mưa mang thực phẩm đến từng nhà, trao tận tay người dân TPHCM (Ảnh: Báo Lao động).

Công việc thầm lặng của “những chiến sĩ trên tuyến đầu” chống dịch đã để lại những cảm xúc yêu thương, trân trọng của mọi người, góp phần lan tỏa tình vị tha, lòng nhân ái trong cộng đồng (Ảnh: Báo Lao động).

Thời gian qua, hằng ngày, hằng giờ trên các con đường, các ngõ nhỏ hay giữa trung tâm các Thành phố xuất hiện nhiều hành động giúp đỡ, sẻ chia đong đầy yêu thương với những người dân gặp khó khăn trong mùa dịch, tạo nên sự lan tỏa tích cực trong xã hội. Đó là những suất cơm, thùng nước, tủ bánh mì miễn phí trên đường; những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị - cửa hàng 0 đồng; điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật. Qua đó, chăm lo vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực phong tỏa và lực lượng làm công tác tuyến đầu phòng chống dịch, góp phần để người dân an tâm, vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đầy ắp nghĩa tình của không ít người, từ em nhỏ đến người nổi tiếng đã không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực - nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi hình ảnh, hành động đẹp được nhân lên từng ngày, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, gửi đi những thông điệp nhân văn, nghĩa tình.

Có thể nói, những hình ảnh đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong “chiến dịch” phòng chống Covid-19 những ngày qua, đã giúp mỗi chúng ta vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; gia tăng sức mạnh, niềm tin, tạo động lực lớn để mỗi người vượt qua khó khăn, hiểm họa, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, bình an và hạnh phúc.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: