Sự kiện hot
12 năm trước

Phụ nữ Ấn Độ dùng smartphone để phòng cưỡng hiếp

Phụ nữ thành thị Ấn Độ đang sử dụng smartphone như biện pháp tự bảo vệ sau khi vụ cưỡng hiếp tại New Delhi gây chấn động toàn đất nước.

Phụ nữ thành thị Ấn Độ đang sử dụng smartphone như biện pháp tự bảo vệ sau khi vụ cưỡng hiếp tại New Delhi gây chấn động toàn đất nước.


Fight Back, ứng dụng di động đầu tiên vì sự an toàn của phụ nữ Ấn Độ. Ảnh: SamaaTV

Mọi người bắt đầu quan tâm hơn tới ứng dụng và website tự bảo vệ sau khi một sinh viên 23 tuổi bị gã say rượu tấn công hồi tháng 12/2012 trên đường từ rạp chiếu phim về nhà tại ngay chính thủ đô Ấn Độ. Nạn nhân không chỉ bị cưỡng bức mà còn bị đánh đập nặng nề và qua đời hôm 28/12.

Cảnh báo “điểm nóng” qua ứng dụng

Sau vụ việc gây chấn động này, 4 nữ doanh nhân đã mở ra Safecity.in, website dành cho các nạn nhân từng bị quấy rối bày tỏ sự tức giận. Trang web khuyến khích họ “Pin the Creeps” bằng cách thông báo địa chỉ xảy ra các vụ quấy rối và lạm dụng – từ trêu ghẹo tới cưỡng bức – để thêm vào một bản đồ trực tuyến để cảnh báo cho những người khác. Mọi việc cần làm là nếu bị quấy rối hay chứng kiến ai đó bị quấy rối, người dùng sẽ dánh dấu địa danh (pin) và mô tả những gì đã diễn ra. Càng nhiều người “pin” cùng một địa điểm, nó sẽ trở thành điểm nóng (hotspot) để mọi người tránh xa.

Elsa D’Silva, một sáng lập viên chia sẻ: mạng xã hội cho phép phụ nữ nói ra mọi thứ và cảnh báo người khác về các khu vực nguy hiểm ngay cả khi họ không muốn nêu tên hay trình diện ở sở cảnh sát. “Chúng tôi sẽ không im lặng nữa”, D’Silva nói.

Website liên kết với ứng dụng di động SafeTrac do hãng KritiLabs phát triển và cho phép tải về miễn phí. Nó tích hợp nút SOS để gọi tới các số khẩn cấp và họ hàng, bạn bè có thể theo dõi hành trình của người dùng.

Đây là ứng dụng mới nhất trong số các ứng dụng cùng loại được thiết kế để đảm bảo an toàn cho phụ nữ, đặc biệt là những người phải làm việc muộn và đi một mình. Ứng dụng đầu tiên như thế là FightBack do tổ chức phi lợi nhuận Whypoll viết một năm trước khi cuộc tấn công tại Delhi xảy ra và được tải về ồ ạt.

Nhà sáng lập Whypoll, Hindol Sengupta đang phát triển ứng dụng “thế hệ mới” bao gồm các hướng dẫn báo cáo lạm dụng để giúp phụ nữ thường nắm rõ quyền lợi của mình khi tới đồn cảnh sát.

Các nỗ lực tương tự cũng được khuyến khích. NASSCOM – Hiệp hội quốc gia các công ty phần mềm và dịch vụ Ấn Độ - đã mở cuộc thi tìm kiếm ứng dụng bảo vệ phụ nữ tốt nhất. Trước đó, ứng dụng miễn phí Stipator (“vệ sỹ”) từng giành giải thưởng về sáng tạo xã hội của NASSCOM.

Một ủy ban chính phủ được thành lập nhằm ngăn chặn các tội ác liên quan tới tình dục sau vụ tấn công Delhi gợi ý phát triển các ứng dụng có thể gửi dấu hiệu nguy hiểm tới cảnh sát. Thậm chí tại Mumbai, một trong những thành phố an toàn nhất Ấn Độ, cảnh sát cũng phát hành ứng dụng riêng có tên ICE (“trường hợp khẩn cấp”) vào tháng 1/2013 và đã có hàng nghìn lượt tải về dù tính thực tiễn không được đánh giá cao.

Công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, ứng dụng smartphone còn hạn chế khi nhiều phụ nữ Ấn Độ chỉ có thể mua được một chiếc điện thoại tính năng cơ bản. Ngoài ra, tờ báo DNA đặt ra câu hỏi: “Khi đang nguy cấp, làm thế nào chúng ta có đủ thời gian lấy điện thoại ra khỏi túi, mở khóa và mở ứng dụng để báo cho người khác biết?”. Công nghệ rõ ràng cũng có giới hạn của nó: nó không thể lấp đầy nhu cầu của việc thực thi pháp luật hay thay đổi thái độ với phụ nữ.

Và dù thị trường smartphone đang phát triển mạnh, điện thoại thông minh vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong 700 triệu thuê bao di động của Ấn Độ. Gần như mọi ứng dụng kể trên đều cần GPS mà điện thoại phổ thông không có, dù một số nhà phát triển đã cung cấp dịch vụ nhắn tin khẩn cấp.

Nhà sáng lập Stipator – Ratnesh Desai và 3 đồng nghiệp là cựu nhân viên Microsoft đang tìm cách phát triển thiết bị bảo vệ có kích thước chỉ bằng một thỏi son mà không cần tới điện thoại. Họ hi vọng nếu công cụ này thành sự thực, chúng sẽ trở thành vũ khí giúp phụ nữ chống lại các hành vi tấn công và lạm dụng tình dục.

Du Lam
Theo ICT News, AFP

Từ khóa: