Sự kiện hot
2 tuần trước

Phú Thọ: Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP và nông nghiệp tại huyện Thanh Sơn

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, thủy sản, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) còn tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển nông nghiệp theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng… Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của địa phương có bước phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Theo định hướng, phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021 - 2025, sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, dịch bệnh vật nuôi, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất đối với những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng lợi thế và hiệu quả kinh tế cao ở những nơi có điều kiện; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tạo điều kiện bố trí đất đai để phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện. Sản xuất vùng nguyên liệu gắn với chế biến, bảo quản sản phẩm; phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ.

Phát triển sản xuất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ hợp tác hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Với mục tiêu xác lập được các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về bố trí đất đai, ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất… và những cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ về quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đối với sản phẩm chủ lực đã đề ra; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông, lâm nghiệp, đưa Thanh Sơn thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của tỉnh; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành được 484 vùng sản xuất tập trung với quy mô trên 13.500ha và 27 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.

Thanh Sơn là huyện miền núi, khó khăn của tỉnh Phú Thọ, bởi vậy Ban chấp hành Đảng bộ huyện luôn xác định phải biến khó khăn thành hành động, xây dựng nhiều giải pháp khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của huyện để tạo đà bứt phá so với năm trước.

Về lĩnh vực trồng trọt trong năm 2024 huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ sản xuất theo đúng kế hoạch đã đề ra cng cấp đủ giống, vật tư, nước để cây trồng, vật nuôi phát triển tốt; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chống sâu, bệnh hại, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp hạn chế thiệt hại cho sản xuất, các cây trồng chính có năng suất, sản lượng đạt khá với diện tích cây hàng năm 12.053,1 ha, đạt 100,4% kế hoạch và bằng 101,2% cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 47.228,45 tấn, đạt 100,7% kế hoạch và bằng 101,8% cùng kỳ. Diện tích lúa 6.335,8 ha, đạt 102,19% kế hoạch năm, bằng 101,5% cùng kỳ. Năng suất ước đạt 57,32 tạ/ha, sản lượng ước đạt 36.317,76 tấn, bằng 101,8% cùng kỳ. Diện tích ngô 2.240,4 ha, đạt 101,8 % kế hoạch, bằng 99,1% cùng kỳ. Năng suất ước đạt 48,7 tạ/ha, sản lượng 10.910,69 tấn, bằng 98,6% cùng kỳ. Tuy nhiên, giá sản phẩm bưởi chưa cao, giá chè biến động đã hạn chế việc đầu tư thâm canh, mở rộng vùng sản xuất của người dân.

Chè đang trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Chè đang trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Sản phẩm chè OCOP chè tại Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Sản phẩm chè OCOP của Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Cùng với đó, huyện cũng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như Chuối phấn vàng đã thực hiện mở rộng vùng trồng cây chuối phấn vàng tại xã Tân Lập và Tân Minh với diện tích 9,2 ha; tiếp tục đôn đốc chỉ đạo trồng 0,8 ha còn lại đảm bảo kế hoạch (10 ha). Chè Cẩm Mỹ hướng dẫn HTX Chè Cẩm Mỹ thâm canh diện tích chè hữu cơ hiện có, HTX đã trồng mới 02 ha chè tại xã Tất Thắng; đang rà soát thêm diện tích 03 ha trồng chè trong 3 tháng cuối năm. Lúa nếp Quạ đen đã tổ chức rà soát, triển khai mở rộng diện tích trên 154 ha và tập huấn kỹ thuật đến các xã Thắng Sơn, Yên Sơn, Cự Đồng. Triển khai thực hiện nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo Quyết định đã phê duyệt: Tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Nếp Quạ đen Thanh Sơn”.

Tiếp đó, xây dựng và triển khai một số mô hình điển hình như cây lâu năm diện tích chè 2.464,76 ha, bằng 100% cùng kỳ; diện tích chè cho sản phẩm 2.430,46 ha, bằng 100% cùng kỳ; diện tích trồng mới 5 ha, Sản lượng chè búp tươi ước đạt 24.784,1 tấn, bằng 104,6 % cùng kỳ. Diện tích bưởi 802,4 ha, bằng 99,06% cùng kỳ. Diện tích chuối ước đạt 640 ha, bằng 84,21% cùng kỳ. Trong đó: Diện tích chuối phấn vàng 83,5 ha, năng suất đạt 290 tạ/ha, sản lượng ước đạt 9.837 tấn, bằng 100 % cùng kỳ.

Mô hình cải tạo đất chè quy mô 10 ha, thực hiện tại Thị trấn Thanh Sơn và xã Tân Minh (HTX Chè Thành Nam). Hiện tại, chè sinh trưởng phát triển tốt, đã thu được 4 lứa, cho năng suất tăng hơn so với không dùng chế phẩm cải tạo đất cách làm truyền thống từ 3 - 5%. Mô hình phát triển sản xuất lúa Nếp Quạ đen quy mô 28ha (Phòng Nông nghiệp thực hiện 10ha, Trạm Khuyến nông thực hiện 18 ha) tại các xã Thắng Sơn, Cự Đồng, Yên Sơn. Hiện tại lúa đang trong thời kỳ đứng cái và làm đòng.Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình trồng lúa chất lượng cao TĐ25 vụ Mùa quy mô 10ha, tại xã Võ Miếu. Hiện tại lúa đang trong giai đoạn chắc xanh - chín sữa chưa cho thu hoạch.

Vùng nguyên liệu

Vùng nguyên liệu "Gạo nếp Quạ Đen" huyện Thanh Sơn đạt sản phẩm OCOP.

Về mô hình trồng cây dược liệu có cây khôi nhung quy mô 2.500 cây, thực hiện tại xã Văn Miếu. Hiện tại sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian cho thu hoạch nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi vào cuối năm nay mới thu lứa hái đầu tiên. Cây Ba kích quy mô 6,0ha, thực hiện tại xã Đông Cửu, trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng xã Đông Cửu. Sau trồng 2-3 năm, chăm sóc tốt mới cho thu hoạch củ để bán.

Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện đã xây dựng Kế hoạch phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 10 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó phát triển 06 sản phẩm, bộ sản phẩm mới hạng 3 sao (Mật ong Tinh Nhuệ, Gạo nếp Quạ Đen, Thịt chua cao cấp Phượng Hồng, Thịt chua ống nứa Duy Lợi, Thịt chua hộp nhựa Duy Lợi, Thịt chua vị truyền thống Duy Lợi); 03 sản phẩm mới hạng 4 sao (Thịt chua Hà Điệp vị truyền thống, Thịt chua Hà Điệp vị tỏi ớt, Thịt thính Hà Điệp); 01 Bộ sản phẩm mới hạng 5 sao của Công ty Cổ phần LitaFood (Bộ sản phẩm quà biếu Con Cui); 6 tháng đầu năm toàn huyện có 28 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao. Tuy nhiên, do một số sản phẩm đã hết hạn theo quy định, các chủ thể không đề nghị đánh giá công nhận lại do định hướng phát triển sản phẩm mới, sản phẩm thay thế của chủ thể. Đến hết quý III/2024 toàn huyện có 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao (hạng 3 sao có 5 chủ thể với 8 sản phẩm; hạng 4 sao có 5 chủ thể với 16 sản phẩm).

Phú Thọ: Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP và nông nghiệp tại huyện Thanh Sơn - Ảnh 1

Thịt chua Thanh Sơn - Sản phẩm đặc trưng không thể thiếu khi du khách về với Đất Tổ.

Thịt chua Thanh Sơn - Sản phẩm đặc trưng không thể thiếu khi du khách về với Đất Tổ.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo quyết liệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất, các kế hoạch đã được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thị trường và thực tiễn để định hướng sản xuất; tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản... Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tiến tới liên kết theo chuỗi, bảo đảm đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

LƯU THỊ THU HÀ
Theo KTĐU

Từ khóa: