Những thông tin mà các cơ quan chức năng chia sẻ trong cuộc tọa đàm trực tuyến về quản lý giá sữa tại Cổng Thông tin Chính phủ điện tử hôm 26.4cho thấy, việc quản lý giá sữa sẽ còn là một "cuộc chiến" dai dẳng...
Những thông tin mà các cơ quan chức năng chia sẻ trong cuộc tọa đàm trực tuyến về quản lý giá sữa tại Cổng Thông tin Chính phủ điện tử hôm 26.4cho thấy, việc quản lý giá sữa sẽ còn là một "cuộc chiến" dai dẳng...
Khó từ cái tên...
Theo thông tin từ cuộc tọa đàm, chỉ trong vòng 6 năm qua, giá sữa đã 30 lần tăng, gây kinh hoàng với người tiêu dùng. Và sau khi Luật Giá có hiệu lực từ 1.1.2013, cái tên "sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi" được chuyển tên gọi thành "sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 6 tuổi" thì giá mặt hàng này còn tăng phi mã hơn vì không còn phải bị đăng ký, kê khai giá với các cơ quan nhà nước nữa. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, giá sữa đã tăng thêm 7-15%, và cách đây vài ngày vẫn tiếp tục có 3 hãng sữa đề nghị tăng giá tiếp từ 2-15% nữa. Câu hỏi được đặt ra là có phải các hãng sữa đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật về tên gọi để tăng giá, trục lợi?
Từ đầu năm đến nay, giá sữa liên tục tăng.
Ông Phạm Hữu Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sữa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá. Giá sữa cũng không phải lúc nào cũng cần đăng ký, mà việc đăng ký chỉ xảy ra khi giá sữa tăng bất hợp lý và cần bình ổn. "Chỉ khi cần bình ổn thì Nhà nước mới yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá"- ông Anh nhấn mạnh.
Thực tế, giá sữa đã liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào "ra roi" để chặn lại. Có phải vì chưa thấy bất hợp lý hoặc không cần bình ổn nên các cơ quan chức năng đã chưa yêu cầu các hãng sữa phải giải trình, cứ như vậy, giá sữa vô tư tăng, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt.
Theo ông Hà Quang Tuấn- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sữa Hà Nội (HaNoi Milk), một số đơn vị đã lợi dụng tên gọi mới của sữa bột là "sản phẩm dinh dưỡng" để tăng giá, trong khi các loại sữa nước chỉ tăng 80-85% trong suốt 6 năm qua (như sữa tươi tiệt trùng nhãn Izzi năm 2007 là 2.500 đồng/hộp 110ml, hiện có giá là 4.000-4.500 đồng/hộp, tính ra tăng 85%) và tăng không quá 2 lần.
Làm sao quản?
Tại cuộc tọa đàm này, các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, cho đến nay, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý giá sữa còn chưa tốt. Không chỉ giá, mà cả chất lượng sữa cũng gây lo ngại. Mới đây, đã có 13 hãng sữa bị "phanh phui" kém chất lượng, sữa không đủ hàm lượng canxi, DHA và người tiêu dùng chỉ còn cách tìm các đại lý lớn, mua các loại sữa giá cao để yên tâm hơn.
Ông Hữu Anh cho rằng, mỗi cơ quan nhà nước cần làm tốt từ gốc, vì sữa là mặt hàng quản lý theo chuỗi, chứ không đơn lẻ cơ quan nào. Ví dụ, các quy định phải chặt từ khâu nhập khẩu, thành phần chất lượng, tên gọi ra sao, giá chỉ là khâu quản lý cuối cùng. "Nếu không làm tốt từ khâu chuỗi này, thì sẽ khó quản được giá sữa"- ông Anh nói.
|
Các chuyên gia cho rằng hiện nay, giá sữa thế giới có tăng, nhưng không tương xứng với mức tăng của các hãng sữa trong nước, trên thực tế, giá sữa tại Việt Nam luôn cao hơn giá sữa thế giới.Theo thông tin từ cuộc tọa đàm, giá sữa VN hiện khoảng 1,4 USD/lít, chênh so với giá sữa của Mỹ và châu Âu từ 0,5-0,9 USD/lít, của Trung Quốc là 0,8 USD/lít...
|
|
Theo ông Anh, không phải sữa nào cũng cần kê khai nhưng sữa cho trẻ em thì cần phải kê khai, đăng ký. "Sữa nào cho trẻ em thì Bộ Y tế phải thống kê, đưa vào.
Chúng ta chỉ nên tập trung kiểm soát các loại sữa chủ yếu, được tiêu dùng nhiều, có tác động lớn tới người tiêu dùng. Việc làm này không cồng kềnh mà thuộc chức năng của Cục Quản lý giá và các Sở Tài chính"- ông Anh phát biểu.
Muốn làm được như vậy, thì trước hết phải thống nhất từ tên gọi sản phẩm sữa từ khi nhập khẩu đến đưa ra thị trường nội địa, để người dân hiểu, lựa chọn sản phẩm đúng với nhu cầu.
Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thi hành Luật Giá. Ông Anh "bật mí": Chúng tôi đã đề nghị đưa "sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ" vào diện kê khai giá. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực thi điều này.
Mai Hương
theo Dân Việt