Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC) lỗ gấp đôi sau kiểm toán lên gần 900 tỷ đồng

Số lỗ sau kiểm toán của Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC) gần 900 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với báo cáo tự lập trước đó.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 mới công bố, CTCP Quản lý Tài sản Trí Việt (T-Corp, mã: TVC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 152,6 tỷ đồng, giảm 64,6% so với cùng kỳ năm trước đó; lợi nhuận gộp đạt 85,9 tỷ đồng, giảm 76,7%.

Về mảng tài chính, TVC ghi nhận doanh thu và chi phí lần lượt là 72,2 tỷ đồng và 472,4 tỷ đồng, không quá chênh lệch với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 84,4% và gấp gần ba lần so với thực hiện năm 2021. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán đạt 570,3 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với mức tự lập.

Kết quả, T-Corp lỗ sau thuế 886,8 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần số lỗ của báo cáo tự lập. Trong đó, lỗ sau thuế công ty mẹ 682,6 tỷ đồng, cao gấp đôi số tự lập. Trong khi đó, TVC lãi 415,4 tỷ đồng trong năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, quy mô tài sản TVC đạt 1.738 tỷ đồng, giảm 22,5% so với báo cáo tự lập. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn 684,9 tỷ đồng, giảm 42,5%. Hiện công ty chưa công bố giải trình chênh lệch giữa báo cáo trước và sau kiểm toán.

Tính đến ngày 31/12/2022, khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh của TVC đạt 1.301 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá 375,4 tỷ đồng (lỗ 28,8%). Cụ thể về các khoản đầu tư, TVC đầu tư 897,3 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG (dự phòng 358,6 tỷ đồng, lỗ gần 40%); 289,3 tỷ đồng cổ phiếu FPT (dự phòng 4,8 tỷ đồng); 70,2 tỷ đồng cổ phiếu MWG (dự phòng 3 tỷ đồng);...

Chứng khoán kinh doanh của TVC thời điểm đầu và cuối năm 2022. (Nguồn: TVC).

Tổ chức kiểm toán có đưa ra ý kiển ngoại trừ về số dư khoản phải thu khác trình bày trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2022 bao gồm các khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư với các đối tác bên ngoài với số tiền khoảng 272,8 tỷ đồng; khoản phải thu theo hơp đồng chuyển nhượng trái phiếu cho cá nhân số tiền khoảng 50,1 tỷ đồng;

Khoản phải thu theo hợp đồng môi giới chứng khoán là 480,6 tỷ đồng. Số dư phòng tổn thất được trích lập cho một số khoản phải thu nêu trên với số tiền khoảng 506,8 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ khoảng 70%; một số khoản phải thu của các cá nhân không được trích lập dự phòng dựa trên các bản cam kết thanh toán của các cá nhân này.

Tổng giá trị thuần của các khoản phải thu nêu trên khoảng 296,7 tỷ đồng. Tổ chức kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá về mục đích, đối tượng tham gia và giá trị còn lại phải thu của các hợp đồng nêu trên, nên không thể đánh giá được về tính phân loại, trình bài, giá trị còn lại của các khoản nợ phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập đối với các khoản phải thu nêu trên cũng như không đánh giá được ảnh hưởng của chúng đến các chỉ tiêu khác.

Diệu Nhi
Theo Dòng vốn kinh doanh

Từ khóa: