“Không thể không đọc cái gì đó!” - một độc giả 9X tuyên bố.
“Không thể không đọc cái gì đó!” - một độc giả 9X tuyên bố.
Xung quanh chuyện “chọn đọc”
Em hay đọc gì trên báo mạng?
- Thời trang, show, mấy bài về hot girl xinh xinh, quần áo đẹp, như Chipu, Midu... Còn em chẳng đọc gì khác.
Bạn bè em có đọc thông tin kiểu đó không?
- Có, thường chúng nó cũng đọc mấy cái như thế trước, sau mới đến những tin khác.
Mấy cái tin nghiêm túc có đọc không?
- Nghiêm túc là như thế nào?
Ví dụ như bàn về vấn đề thời sự hoặc bình luận.
- Có, thỉnh thoảng cũng đọc. Nhưng mấy vấn đề thời sự chẳng liên quan gì đến mình thì chẳng đọc làm gì. Tin bình luận thì mấy đứa con trai quan tâm đến bóng đá chẳng hạn, chắc cũng đọc.
Em thích đọc sách gì?
- Em chẳng bao giờ đọc sách trên mạng. Thường là thuê hoặc thấy ai có sách hay thì mượn, mượn của bạn bè.
Độc giả 9X
Sao em biết là sách hay?
- Thì mọi người nói, anh chị, bạn bè nói... Thường thì em hay đọc những chuyện tình cảm. Nó có cùng 1 kiểu giống nhau, nhưng kết thúc và nội dung thì khác nhau, nên muốn đọc.
Tại sao lại thích đọc cùng một kiểu truyện như thế?
- Giết thời gian (cười). Với em thấy nó cũng hay nữa. Ví dụ như truyện của Tào Đình, mỗi cuốn đều nói về một số phận khác nhau, có cuốn hơi "nhân hóa" một chút như "Sẽ có thiên thần thay em yêu anh" chẳng hạn, kể về một tiên nữ biến thành chim đi dạo trên trần gian...
Em thích đọc truyện tình yêu đúng không?
- Ừ, những tiểu thuyết thì chủ yếu toàn về tình yêu mà.
Có những cuốn cũng nổi tiếng gần đây em có đọc không? Như "Lolita" chẳng hạn?
- "Lolita" là gì? Những truyện em đi thuê chẳng có những truyện như thế! Thường thì chỉ có một bên là truyện tranh hoặc một bên là truyện chữ, chủ yếu là tiểu thuyết. Chị cứ đến những cửa hàng truyện thì biết, toàn truyện về tình yêu, tiểu thuyết tình yêu, gia đình, những số phận không được thuận lợi...
Bạn bè em có đọc loại sách khác, không phải tiểu thuyết tình yêu không?
- Không. Có những truyện khác như "Hạt giống tâm hồn"…, nhưng những truyện như chị nói hoặc những truyện như ở nhà chị em chẳng thấy ai đọc. Bây giờ có quá nhiều đầu sách, truyện kiểu kia ra tràn ngập, nó át những đầu sách khác.
Mọi người có đi tìm sách để đọc không? hay "vớ được" quyển nào thì đọc quyển đó?
- Có đi tìm chứ, đi tìm theo sở thích của mỗi người.
Cứ đọc mãi một dòng không thấy chán à?
- Có chán. Nhưng những truyện, sách kiểu khác phải cuốn hút. Em có thử cầm lên mấy quyển khác, nhưng nhiều sách chỉ đọc được vài trang.
Có cuốn nào không phải là tiểu thuyết tình yêu mà em thích đọc không?
- "Không gia đình" này, truyện cổ tích, Andersen, mấy truyện ngày xưa... Nó vẫn cuốn hút được mình. Còn mấy truyện chị bảo, em đọc không thấy cuốn hút. Với nó phải giống đời sống hiện thực của mình. Mấy truyện chị bảo nó đẹp quá, hoặc nó xấu quá mình cũng không thích. Nó phải có cái đẹp, cái xấu, rồi thăng trầm thăng trầm... kiểu thế cuốn hút hơn.
Những truyện về lý tưởng sống chẳng hạn, em có đọc không?
(Liếc xéo)
Những truyện về các cuộc cách mạng, danh nhân, anh hùng...?
Không! Đọc như thế chẳng giúp gì cho mình. Em chẳng muốn tìm hiểu về những cái đấy. Nó là lịch sử rồi, hoặc suốt ngày được nghe rồi.
Ví dụ những cuốn như "Ruồi trâu", "Thép đã tôi thế đấy"? Em có từng nghe nói đến không?
- Những cuốn đó thì em có biết. "Ruồi trâu" nghe nói cũng hay, nhưng em chưa kịp đọc. Mọi người bảo hay nên em cũng muốn đọc.
Những truyện thuộc về lịch sử thì em không thích à?
Cũng tùy chứ! Tào Đình cũng có viết truyện liên quan đến lịch sử.
"Cô gái đánh cờ vây" em có đọc không?
- Em không biết cuốn này.
Cuốn này nói nhiều trên mạng mà!
- Ở trang nào ạ? Thường thì Facebook chiếm phần lớn thời gian của em, nên làm gì còn thời gian để đọc cái khác.
“Em không tin người ta quảng cáo sách”
Vậy lên mạng em thường đọc những trang gì?
- Kênh 14 hoặc các báo lớn.
Em thường đọc mục nào? Mỗi mục thời trang thôi à?
- Em có vào mục sách đấy, nhưng em muốn đọc những cuốn nào hay hay cơ. Em thấy người ta giới thiệu những cuốn sách hầu như không hay.
Trước giờ em không biết ai làm nhà báo, nhưng em quan niệm thế này, người ta viết về cái gì thực ra chỉ muốn quảng cáo/quảng bá về cái đó thôi. Đó thường là những sách không tiêu thụ được nên người ta mới quảng cáo nhiều. Chị thấy có đúng không?
Tức là em không tin quảng cáo sách?
Ừ. Em không tin lắm!
Tại sao lại như thế? Em không được đọc cuốn nào hay à?
- Cũng có lần em đọc thử rồi, nhưng em thấy nội dung nó không hay như người ta nói.
À! Có thể.
- Thế nên là từ đó em chẳng bao giờ đọc những thứ người ta quảng cáo. Em thấy những sách được quảng cáo nhiều lượng bán không bằng những cuốn mà người ta truyền tay nhau, rỉ tai nhau.
Bây giờ viết về sách mà trích hẳn sách ra cho em đọc thì em có thấy tốt hơn không?
- Có! Trích hẳn một nửa chương, nhiều nhiều vào.
Như thế em mới biết nó thực sự có hay không, đúng không?
- Đúng rồi. Chứ bình thường người ta hay tâng bốc những truyện đó lên. Mình chẳng biết nội dung nó thế nào, chỉ biết người ta nói nó rất hay. Nhưng mình đọc chương 1, chương 2 là ngán lắm rồi, chẳng muốn đọc nữa.
Báo chí và truyền hình
Em thấy tin tức báo chí có lợi cho em không?
- Tùy từng báo. Những tin về xã hội, tin quan trọng về sự việc trên cả nước hoặc địa bàn nào đấy thì người đọc cũng thấy biết ơn.
Nhưng dạo này càng ngày người ta càng hay đọc tin về những vụ án mạng, giết người. Xã hội có như thế nên người ta hay đọc, chứ có phải là thích đâu. Sở thích thì có nhiều, nhưng những tin mà được chú trọng, là tâm điểm thời sự trong đời sống bình thường, người ta hay buôn chuyện được thì được đọc nhiều hơn.
Với em, báo có giống mục thời sự lúc 7h tối trên VTV không?
- Báo thì đương nhiên là nhanh hơn, nhưng khi đưa lên tin thời sự thì phải chắc chắn hơn. Có tin thì TV có nhưng mạng không có - hoặc em không đọc thì em không biết.
Em có thích xem thời sự không?
- Có!
Vậy có thích đọc báo về những tin như thế?
- Đọc thì nhiều quá, tràn lan. Một vụ đánh bom chẳng hạn, mỗi báo viết một kiểu, nhưng vẫn giống nhau, mà nó nhiều quá!
Có nghĩa là em vẫn quan tâm, nhưng không có báo tin cậy?
- Không phải không có báo tin cậy, mà xem một lần thì không cần xem lại nữa.
Thế sao tin hở hang, scandal rất quen rồi mà người ta vẫn đọc nhiều thế? Như cô này "lộ hàng", cô kia "lộ hàng"..., lần nào cũng được đọc nhiều?
- Em không đọc cái đấy. Có lúc thì xem ảnh thôi.
Em có từng nói, ở nhà, mọi người hay xem gameshow truyền hình vì không có gì khác để xem?
- Ừ, thì đúng mà!
Bây giờ có "Bước nhảy hoàn vũ" và "Đấu trường 100" phát sóng cùng một lúc, thì người ta sẽ chọn xem gì nhiều hơn? "Bước nhảy hoàn vũ" đúng không?
- Đúng rồi. Vì "Bước nhảy hoàn vũ" một năm mới có một lần, cái kia thì tuần nào cũng có, không xem lúc này thì xem lúc khác. Với những câu hỏi trên đó thì...(chậc lưỡi) đúng là không xem lần này thì xem lần kia, không ảnh hưởng gì.
“Quá khó để áp dụng cho bản thân”
Mọi người thích xem những thứ giải trí hơn đúng không? Em có nghĩ là đọc sách không chỉ là để biết chuyện tình cảm, mà còn để biết mình nên làm gì không?
- Truyện tình cảm có trắc trở, có những cái đối lập nhau, nhiều cái ảnh hưởng đến cả hai người… từ đó mình có nhiều cái suy nghĩ nếu như mình gặp tình huống đấy thì sẽ thế nào, để tránh những chuyện đấy ra. Nhưng đọc chỉ để đọc thôi, còn lúc mình rơi vào tình cảnh đấy thì chẳng làm được đâu.
Em có tò mò một người như em thì sau này sẽ làm gì? Em có tìm đọc về những thứ đó không, em có nghĩ sách giúp được gì không?
- Không! Chị có thấy xã hội giống như trong sách không?
Em cũng có hướng, nhưng những gì như sách nói "Bạn hãy theo đuổi ước mơ của mình" thì chẳng mấy ai thực hiện được. Thứ nhất, vì mình không đủ điều kiện. Thứ 2, vì có quá nhiều thứ liên quan, như gia đình chẳng hạn, phải lo.
Nhưng có nhiều người vươn lên từ nghèo khó mà?
- Đấy là một số người, chứ không phải là tất cả. Bây giờ muốn đi làm phải dựa vào cái bằng. Có bằng rồi là có thể xin việc được, nhưng chị cũng không đấu lại được những đứa có bố mẹ có chỗ dựa, có thế. Mình cũng muốn làm cái này, nhưng hoàn cảnh đẩy mình sang phải làm cái khác.
Em không nghĩ đọc sách giúp được mình cách sống tốt hơn à?
- Cũng có. Như bạn trai em dạo này cũng chăm học, đọc sách hướng nghiệp, sách dạy làm giàu, sách kĩ năng, giao tiếp... Nhưng để áp dụng được cho bản thân mình thì quá khó! Thay đổi thói quen sẽ thay đổi bản thân mình. Nhưng thói quen là trước giờ mình đã sống như thế rồi, rất khó thay đổi. Lúc ấy phải cần tính kiên trì.
Không thể không đọc cái gì đó. Không đọc thì khó chịu lắm! Nhưng bây giờ sách tràn lan, tìm sách hay cũng rất khó.
Vậy những cuốn nêu tấm gương về người tốt bụng, vì xã hội, đấu tranh vì người khác? những người lý tưởng ấy?
- Em thấy xa lạ. Những người như thế hay được lấy làm tấm gương cho những người khác, cho xã hội học theo - nhưng đọc xong cũng chỉ để đấy thôi. Người khác không rơi vào trường hợp như thế thì làm sao làm thế được? Mà cũng tùy theo khả năng của mỗi người.
Theo Vietnamnet