UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, để thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được giao tại đề án nói trên, tỉnh Quảng Bình đã chia làm hai giai đoạn gồm: Giai đoạn 2023-2025 sẽ phấn đấu hoàn thành 3.700 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành 11.300 căn nhà ở xã hội. Tổng hai giai đoạn (2023-2030) là 15.000 căn nhà ở xã hội.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình dự kiến sẽ thực hiện tám dự án. Trong đó, bốn dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với diện tích đất sử dụng 14 ha, tổng mức đầu tư là 1.297 tỉ đồng; bốn dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với diện tích đất sử dụng 23 ha, tổng mức đầu tư là 892 tỉ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh này dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện 39 dự án (có 33 dự án đã quy hoạch bố trí quỹ đất và bố trí quy hoạch mới sáu vị trí thực hiện dự án).
Trong 33 dự án đã quy hoạch, dự kiến sẽ triển khai 31 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp với diện tích đất sử dụng là 70 ha, tổng mức đầu tư là 5.313 tỉ đồng; hai dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với diện tích đất sử dụng là 36 ha, tổng mức đầu tư là 1.815 tỉ đồng.
Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo bứt phá trong phát triển, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng tỉnh Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung”.
Đồng thời, tỉnh cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050: “Tỉnh Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế bắc - nam, đông - tây (hướng ra biển).
Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị tỉnh Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú; nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững”.
Tiến Hoàng/KTDU