Sự kiện hot
11 năm trước

Quảng Ninh: Hàng vạn người đổ về chùa Ba Vàng tham quan

Nằm ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), trong quần thể dãy núi Yên Tử, chùa Ba Vàng (tên chữ là Bảo Quang Tự - tức là “ánh sáng quý”) là ngôi chùa có nhiều tích cổ linh thiêng và di vật quý báu đã được xếp hạng di tích lịch sử và là truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Đặc biệt hơn, theo thầy Thích Bảo Tiến, chùa Ba Vàng còn được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận, là " Tòa Chánh điện lớn nhất Việt Nam”.

Tọa lạc trên núi Thành Đẳng (nghĩa là thành Phật) với cảnh sắc sơn thủy hữu tình có “rồng chầu, hổ phục”, chùa Ba Vàng là điểm đến tu học và du lịch văn hóa tâm linh chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng của đất nước.

Căn cứ vào khảo cổ khai quật được từ lòng đất tại nền chùa, tất cả các viên ngói, viên gạch, mảnh sành tìm thấy đều mang nét văn hóa, kích thước, chất liệu từ đời nhà Trần và chứng kiến biết bao thăng trầm, biến chuyển của lịch sử đất nước .


Khuôn viên chùa Ba Vàng

Sau khi xác định đây là ngôi chùa mang dấu ấn lịch sử đời Trần, từ năm 1988, Thị ủy, UBND, HĐND thị xã Uông Bí thể theo nguyện vọng của nhân dân đã cho phép trùng tu lại bằng gỗ (lần trùng tu thứ 3).

Tới năm 2007, chính quyền địa phương đã thỉnh cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh – trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử về trụ trì chùa Ba Vàng, xây dựng ngôi chùa trở thành di tích lịch sử được xếp hạng của tỉnh Quảng Ninh và là điểm du lịch, điểm đến của tăng ni Phật tử cả nước.

Lần trùng tu thứ 4 này có quy mô, hiện đại. Giai đoạn một với diện tích 21,8 ha và tổng kinh phí 500 tỷ đồng (trên tổng số diện tích 123,8 ha với tổng mức đầu tư 1000 tỷ đồng) được huy động từ lòng hảo tâm của các tăng ni, phật tử.


Cảnh quan chùa Ba Vàng gây ấn tượng cho du khách ngay từ bước chân đầu tiên.

Dù đang trùng tu xây dựng lại, song chùa Ba Vàng đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng và xã hội mang đậm tính nhân văn và văn hóa truyền thống dân tộc. Một trong những hoạt động đó phải kể đến việc nỗ lực truyền bá chính đạo, bài trừ mê tín dị đoan (không đốt vàng mã, không xóc thẻ, không xem bói, không buôn bán trong khuôn viên chùa, không cho xoa tiền vào đầu tượng…), tổ chức các công tác thiện nguyện, đào tạo tu dưỡng đức – trí cho tăng ni Phật tử cả nước. 

Với tâm nguyện xây dựng một điểm đến du lịch tâm linh lành mạnh, nghiêm túc, Ban trụ trì chùa Ba Vàng đã bố trí tại mỗi nhịp nghỉ trên đường lên chùa có thùng để nhận rác. Bãi đỗ xe cho Phật tử đến thăm cũng hoàn toàn miễn phí. Khách thập phương khi đến chùa sẽ được đãi cơm chay, ăn nghỉ miễn phí tại chùa, các vật phẩm cúng dường cũng được nhà chùa chuẩn bị với tinh thần tùy tâm không bán. 

Thầy Thích Bảo Tiến cho biết: Việc kinh doanh duy nhất được cho phép tại chùa là chụp ảnh (nhằm phục vụ nhu cầu lưu giữ lại hình ảnh của khách thập phương) nhưng các thợ ảnh phải đăng ký hoạt động, giá tiền với ban quản lý để được cấp thẻ và hoạt động theo đúng sự quản lý của nhà chùa.


Kiến trúc cảnh quan chùa Ba Vàng mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng Phật giáo phía Bắc

Từ năm 2010 các khóa tu bát quan trai được tổ chức thường kỳ mỗi tháng một lần vào ngày mùng 8 âm lịch, số lượng các phật tử về tham dự khóa tu mỗi tháng đều tăng lên. Song song với các hoạt động bên trong khu vực nội tự chùa Ba Vàng còn tổ chức cho các sư và Phật tử đi làm từ thiện, đến các nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trại tù lán 14, một số huyện nghèo trong tỉnh Quảng Ninh. Ngày 23 tháng 12 năm 2012, Ban văn hóa chùa Ba Vàng phối hợp với các Phật tử ở Hà Nội, Quảng Ninh tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ Thiện Nguyện Hương Từ Tâm với mục đích kêu gọi lòng trắc ẩn, khơi dậy tâm từ ái, đánh thức lòng yêu thương của cộng đồng đến với những mảnh đời thiếu may mắn, là cầu nối giữa những nhà hảo tâm với những người có hoàn cảnh đặc biệt (ốm đau chữa bệnh tại chùa)....

Đại lễ khánh thành Chùa Ba Vàng sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/3 (tức 8- 9/2 âm lịch năm Giáp Ngọ) kể từ sau 3 năm khởi công với nghi thức Lễ điền hoàn Long mạch, truyền giới Bát quan trai, khai Pháp hội Dược Sư và cầu quốc thái dân an; Đại lễ hô thần nhập tượng, Khai quang an vị; Tiệc chay, Lễ quán đỉnh ban phúc; Trai đàn chẩn tế. Thầy Thích Bảo Tiến cho hay, dự kiến ngày mai sẽ có khoảng chục vạn người về đây tham dự lễ khánh thành và tham quan, chiêm bái.


Tòa Chánh điện của chùa Ba Vàng được ghi nhận là lớn nhất Việt Nam

Theo sử sách ghi lại: Vào thời Trần (thế kỷ thứ 13), vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung vàng điện ngọc về non xanh Yên Tử tu hành, là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Việt Nam. Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử. Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ 21, qua 800 năm, chùa Ba Vàng đã qua 1 lần khai sơn lập tự và 4 lần trùng tu. Song do thời gian và các cuộc chiến tranh tàn phá, ngôi chùa đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn lại rừng cây bao phủ.

Năm 1987, một lão nông địa phương bị mất một đàn bò. Nhiều đêm lão được báo mộng: cứ lên núi Ba Vàng tìm khắc thấy. Dù bán tín bán nghi nhưng do tiếc của, lão quyết tâm theo đường mòn leo dốc khi đến độ cao lại có mặt bằng trải rộng, do vấp ngã, lão đã phát hiện những bậc thềm xây tam cấp bằng gạch và cũng chính lúc này, đàn bò trở về nhà không thiếu một con. Do sự ngẫu nhiên linh ứng nên dân làng nô nức hội tụ về đây và tìm ra những hiện vật trong đó có cây hương đá (thiên đài trụ) có đỉnh hình bát sen với kích thước cao 1m45, rộng 0.29m, dày 0.25m được tạc bằng đá nguyên khối. Tiếp nữa là bia đá từ thời Lê Dụ Tông (1706); kích thước 0.70m, rộng 0.45m, dày 0.14m dựng trên đế rùa cao 0.40m, dày 0.94m, rộng 0.70m. Đây được đánh dấu là lần trùng tu thứ hai.

Minh Lý
theo GĐ&XH

Từ khóa: