Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.
Cụ thể, Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung. Thời tiết tương đối thuận lợi đối với hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng trên cả nước, nhờ vậy tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất thủy sản trong quý I có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm mạnh ở những tháng đầu năm. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được các cơ quan chức năng khuyến khích nuôi tôm chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, tôm nước lợ. Hoạt động khai thác thủy sản được duy trì ổn định do thời tiết thuận lợi. Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản quý I khoảng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6%.
Mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; huy động các nguồn lực xã hội để quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn và đặt tăng trưởng toàn ngành quý I đạt khá cao 2,5% (cao hơn so với mức tăng quý I/2022).
Tại Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 3/2023, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, 3 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Tuy nhiên, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao. Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.
Tính chung 3 tháng đầu năm, sản xuất trồng trọt vẫn ổn định, sản lượng nhiều loại cây lâu năm chủ lực tăng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khi đặt đầu bài phải suy nghĩ sản phẩm tạo ra đặt vào thị trường nào, dự kiến bán được bao nhiêu. Giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi ngành hàng nông, lâm, thủy sản, nên cần chú trọng nâng cao chất lượng giống, đảm bảo hiệu quả. Cần đưa các giống năng suất cao, ví dụ như giống ngô, đậu tương để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong lĩnh vực chế biến, cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Về lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các nghị định, thông tư phải giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống, giải quyết được những nút thắt của kinh tế nông nghiệp.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống