Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 5,83 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,62 triệu USD, tăng 70,3% về lượng và tăng 81,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 44,04% về lượng và chiếm 64,84% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với gần 2,57 nghìn tấn, trị giá 16,61 triệu USD, tăng 79,8% về lượng và tăng 102% về trị giá so với quý I/2022.
Cụ thể, tác chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: Chân gà đông lạnh (chủ yếu sang Trung Quốc); thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh (duy nhất sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc); thịt ếch đông lạnh (chủ yếu sang Bỉ, Hoa Kỳ, Pháp);
Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia).
Trong quý I/2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lượng thịt heo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất.
Được biết, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm các loại, giá trị đạt 84,6 triệu USD, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 3,62% về giá trị so với năm 2021.
Đối với sản phẩm thịt gia cầm sống xuất khẩu năm 2022, giá trị xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ của Việt Nam đạt gần 3,77 triệu USD, giảm mạnh so với mức 20,7 triệu USD của năm 2021. Xuất khẩu gà sống hướng trứng của Việt Nam đạt 793.193 con; gà trắng giống 4.970.889 con.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt, Việt Nam phải đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các quy định thị trường mà chúng ta hướng tới.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống