Lợi dụng kẽ hở của luật pháp, một số doanh nghiệp thời gian qua xin tạm nhập tái xuất để đưa rác thải công nghiệp độc hại vào Việt Nam. Cảng Hải Phòng đang ngập trong “bãi rác” ngoại.
Lợi dụng kẽ hở của luật pháp, một số doanh nghiệp thời gian qua xin tạm nhập tái xuất để đưa rác thải công nghiệp độc hại vào Việt Nam. Cảng Hải Phòng đang ngập trong “bãi rác” ngoại.
Bỗng dưng ôm hơn 6.000 tấn rác
Theo ông Cao Trung Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng, cách đây gần 6 tháng, một lô hàng tạm nhập tái xuất được tàu Xinhairong cập cảng Hải Phòng. Thủ tục khai báo cho thấy, hàng hóa là 6.458 tấn quặng kẽm có xuất xứ từ Hàn Quốc để tái xuất sang Trung Quốc. Doanh nghiệp đứng tên nhận lô hàng quặng kẽm trên là một công ty có địa chỉ ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng (Công ty A). Tuy nhiên, sau đó, lô quặng trên không được đưa ra khỏi cảng mà nằm chình ình giữa khu vực xếp dỡ. Tới ngày 14-8, cảng Hải Phòng bất ngờ nhận được công văn của Công ty A thông báo “xin từ bỏ lô hàng quặng kẽm” vì lý do… không thể liên lạc được với chủ hàng thực ở Trung Quốc cũng như chưa nhận được chứng từ về hàng hóa và các chi phí đã phát sinh cho lô hàng.
Cho tới nay, hơn 6.458 tấn quặng trở thành vô chủ và đã bỏ lại ở cảng gần 6 tháng. Ông Ngoan tính toán, mỗi tháng cảng Hải Phòng đang chịu thất thu khoảng 195 triệu đồng tiền phí lưu bãi vì không thể giải phóng để đưa hàng hóa khác vào. Tệ hơn là quặng “vô chủ” còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau mỗi lần mưa, cảng đều phải tổ chức cho hàng chục công nhân xúc dọn, bảo vệ số quặng khỏi trôi ra ngoài, gây ách tắc hệ thống thoát nước làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Theo ông Ngoan, hiện nay cảng Hải Phòng vẫn chưa biết xử lý núi quặng vô chủ ra sao ngoài việc gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi, nếu tổ chức tiêu hủy thì ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ ra rất nhiều, trong khi vẫn chưa chắc xử lý được những hệ lụy về môi trường. Còn nếu đem bán thanh lý thì lại không xong vì hàm lượng quặng rất thấp, không doanh nghiệp nào đứng ra mua. Thực chất, theo nhiều chuyên gia, đống quặng kẽm hơn 6.458 tấn đang nằm phơi sương ở cảng Hải Phòng chỉ là một dạng chất thải công nghiệp nặng có tính nguy hại, bởi một nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc không thể đem xuất quặng dưới dạng thô như vậy. Hơn nữa, nếu nó thực sự có giá trị thì công ty nhập đã không vứt bỏ ở cảng. Ông Ngoan khẳng định, riêng số tiền chi bốc xếp, vận chuyển hơn 6.458 tấn quặng kẽm cùng chi phí lưu bãi suốt nhiều tháng nay đã vượt hơn cả giá trị thật của lô quặng.
Rác thải nguy hại chất đống ở cảng Hải Phòng
Khó ngăn rác thải “ngoại”
“Núi” quặng nhập khẩu kể trên không phải là lô hàng vô chủ duy nhất ở cảng Hải Phòng, mà suốt từ tháng 5-2012 đến nay, theo thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng, đã phát hiện thêm hàng trăm lô hàng vô chủ khác, trong số đó có nhiều container hàng là phế thải độc hại.
Cụ thể, lực lượng hải quan Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra sơ bộ 455 container nhập về Hải Phòng, gồm 386 container hàng khô, còn lại là thực phẩm đông lạnh. Đây là những lô hàng đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan, đồng nghĩa việc chủ hàng bỏ lại. Trong các lô hàng được kiểm tra, hải quan Hải Phòng đã phát hiện có tới 80% container là hàng hóa vi phạm. Trong đó, hàng trăm container là rác thải công nghiệp nguy hại gồm ắc quy chì, cao su, nhựa phế thải, thiết bị điện tử. Các container hàng đông lạnh hầu hết là nội tạng động vật. Đặc biệt, lực lượng hải quan Hải Phòng đã phát hiện khoảng 5 tấn tê tê đông lạnh nhập lậu.
Từ nhiều năm nay, cảng Hải Phòng đã biến thành “bãi đáp” của các loại rác, phế thải công nghiệp từ nhiều nước về, do chính các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Trong đó, nhiều vụ khi cơ quan điều tra làm rõ lai lịch của các doanh nghiệp đứng tên nhập hàng mới phát hiện doanh nghiệp “ma”. Vì vậy, việc xử lý các lô hàng vô chủ gặp nhiều khó khăn.
Theo nhiều chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay với các doanh nghiệp đứng tên, đại lý dịch vụ thương mại nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, cần ràng buộc trách nhiệm xử lý hàng bị ách tắc, tồn đọng khi lô hàng tạm nhập tái xuất không tìm được chủ. Không thể mãi kéo dài tình trạng lách luật, tuồn rác thải công nghiệp độc hại vào Việt Nam, biến các cảng biển thành kho chứa rác thải “ngoại” nguy hại.
Tuy nhiên, theo ông Ngoan, đối với trường hợp Công ty A, để xử lý không phải dễ. Dù hiện nay, để chấm dứt tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có thông tư mới nhất quy định, từ ngày 1-9-2012. hành vi nhập phế thải vào nội địa rồi bỏ tại cảng sẽ phải truy tố trước pháp luật. Nhưng hành vi của Công ty A lại diễn ra từ tháng 5-2012 nên việc xử lý đang gặp vướng mắc. Trong trường hợp không liên hệ được với chủ tàu và không đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm về số quặng trên, phía cảng Hải Phòng sẽ gửi văn bản cho hội đồng thanh xử lý của TP Hải Phòng, sau đó tiến hành thành lập hội đồng xử lý, có thể tổ chức bán đấu giá hoặc tiêu hủy theo quy định.
Theo ANTĐ