Sự kiện hot
13 năm trước

Real - Barca: Trận đấu kinh điển trên thương trường

Chiến thắng hiếm hoi của Real tại vòng đấu thứ 35 của La Liga tại thời điểm đặc biệt quan trọng của giải đấu đã tạm thời đưa đội quân của Mourinho tạo khoảng cách an toàn với Barca nhưng trên mặt trận kinh tế, Real vẫn chưa thể vượt qua được đội bóng xứ Catalan.

Chiến thắng hiếm hoi của Real tại vòng đấu thứ 35 của La Liga tại thời điểm đặc biệt quan trọng của giải đấu đã tạm thời đưa đội quân của Mourinho tạo khoảng cách an toàn với Barca nhưng trên mặt trận kinh tế, Real vẫn chưa thể vượt qua được đội bóng xứ Catalan.

Doanh thu: Real nhỉnh hơn

Với 479 triệu euro thu được trong mùa bóng 2010-2011, Real đã chứng tỏ mình có khả năng sinh lời tốt hơn Barca khá nhiều và trở thành đội bóng đứng đầu thế giới về doanh thu mùa thứ 7 liên tiếp từ loại hình hoạt động kinh doanh môn thể thao vua (theo báo cáo của Deloitte hàng kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới).

Với doanh thu lớn hơn mùa bóng trước 40 triệu euro, đội bóng của thủ đô Madrid đã chạm tới gần ngưỡng đỉnh cao 500 triệu euro, chủ yếu nhờ doanh thu đến từ việc phát sóng các trận đấu (nhiều hơn 24.8 triệu euro so với mùa giải trước) và các hoạt động thương mại khác (tăng thêm 21 triệu euro, tức 16%, so với mùa giải trước).

Ông chủ  Florentino Perez vốn nổi tiếng với tài kinh doanh và mức độ chấp nhận mạo hiểm đã thành công khi đưa thương hiệu Real Madrid trở thành biểu tượng toàn cầu và thu về 170 triệu euro từ hoạt động kinh doanh thương hiệu này. Chưa hài lòng với những thành công trong lĩnh vực bóng đá, Real Madrid còn vừa công bố kế hoạch xây dựng một công viên giải trí mang tên Resort Island tại Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE.

Không hề tỏ ra thua kém, FC Barcelona cũng đã thu được 450 triệu euro trong mùa bóng 2010-2011, tăng hơn tới 52.6 triệu euro so với mùa giải trước, cao hơn Real Madrid về tốc độ tăng trưởng. Nguồn thu chủ yếu của Barca đến từ hoạt động quảng cáo được ký kết với một Qatar Sports Investment, đơn vị đã bỏ ra một món tiền lên tới 165 triệu euro để hai chữ "Qatar Foundation" xuất hiện trên bộ đồng phục sọc xanh-đỏ của các cầu thủ xứ Catalan.

Đây là một hợp đồng kỷ lục và là một bước ngoặt với Barca bởi trong nhiều năm trở lại đây Barca liên tục chỉ in chữ Unicef lên chiếc áo thi đấu của mình. Còn trong lịch sử 110 năm, đội bóng này đã luôn quảng cáo miễn phí, điều đã làm nên một biểu tượng mang tính toàn cầu, là một lý do để nhiều người ủng hộ Barcelona.

Cũng giống như nhiều câu lạc bộ bóng đá, một nguồn thu quan trọng khác với đội bóng là thu nhập từ việc phát sóng các trận thi đấu. Trong giải vô địch châu Âu vừa rồi, Barca đã nhận được 51 triệu euro từ hoạt động này. Nhờ những thành tích bóng đá của mình, Barca đã củng cố vững chắc vị trí là đội bóng thứ hai thế giới về thu nhập.

Mức độ nợ nần: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Có vẻ cơn bão khủng hoảng nợ công châu Âu cũng không nể nang gì các câu lạc bộ hàng đầu thế giới. Cùng với thành tích kém cỏi của nền kinh tế nước nhà, các câu lạc bộ bóng đá của Tây Ban Nha được xếp hạng là những con nợ lớn nhất trong thế giới bóng đá, với tổng cộng nợ là hơn 3 tỷ euro, đó là chưa kể 752 triệu euro phải trả cho cơ quan thuế của nước này.

Việc mua về những cầu thủ đắt giá nhất thế giới đồng nghĩa với việc cần các khoản tín dụng lớn. Do đó, nợ của riêng hai câu lạc bộ hàng đầu này của Tây Ban Nha là 1 tỷ euro. Theo thống kê, khoản nợ của Real đã chạm tới mức 590 triệu euro, đó đã là một sự cố gắng lớn của câu lạc bộ này bởi so với mùa giải trước nợ của Real đã giảm được 93 triệu euro. FC Barcelona cũng theo khá sát với khoản nợ 479 triệu euro.

Trong khi đó, hồi đầu năm nay, chính phủ Tây Ban Nha đã siết chặt quản lý tài chính của các câu lạc bộ khi ra một đạo luật cho phép La Liga đánh tụt hạng của đội bóng nào không có khả năng thanh toán. Tương tự UEFA cũng có nhiều quy định nhằm giải quyết tình trạng nợ nần thái quá của các câu lạc bộ.

Lãi ròng: Real vượt Barca

Nợ lớn hơn, song nhờ khả năng kiếm tiền tốt, Real vẫn thu về số lãi ròng gấp rưỡi đối thủ Barca, 31.6 triệu euro so với 20 triệu euro của Barca. Mục tiêu lợi nhuận này của Barca đi kèm với điều kiện là kết quả thi đấu của đội tuyển trong mùa giải này phải rất khả quan. Trong khi đó, với hai trận thua quan trọng trên cả đấu trường trong nước và tại Champions League vừa qua, có vẻ mục tiêu lợi nhuận trên của Barca sẽ phải tính toán lại.

Lương: 0-0

Bất chấp những khoản nợ khổng lồ đang phải gánh, Barca và Real đồng loạt dành nhiều triệu euro để trả lương cho các cầu thủ và huấn luyện viên. Barca đã rót 163 triệu euro để trả lương cầu thủ trong mùa bóng 2011-2012, trong khi con số này của Real là 130 triệu. Trong đó, riêng hai ngôi sao Messi và Ronaldo được hưởng lần lượt những khoản thù lao là 10.5 triệu euro và 12 triệu euro.

Tuy nhiên, hai cầu thủ này cũng đã kiếm lại những món tiền tương đối cho câu lạc bộ nhờ các hợp đồng quảng cáo. Messi với thành tích nổi bật 3 quả bóng vàng FIFA hàng năm được nhận thêm từ các nhà tài trợ 21 triệu euro, so với 15.5 triệu của Ronaldo. Tóm lại, xét về tổng mức lương, kể cả thưởng, Lionel Messi là cầu thủ kiếm tiền giỏi nhất, 33 triệu, so với 29.2 triệu euro mà Ronaldo được hưởng. Đối với các huấn luyện viên, José Mourinho được trả cao hơn Pep Guardiola khoảng 5 triệu euro (14.8 triệu vs 9.5 triệu).

Số lượng những người ủng hộ: Barca vượt xa Real

Bằng việc bỏ ra hàng năm một số tiền nhất định, Socios - một nhóm người ủng hộ Barca, có quyền quyết định trong những công việc của câu lạc bộ thông qua việc bỏ phiếu. Hàng năm các Socios bỏ phiếu bầu chủ tịch câu lạc bộ. Trong các đợt bầu cử này, các lá phiếu đều có giá trị ngang nhau, đó là những người thực sự yêu quý đội bóng và chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo thống kê của Francefootball, hiện nay số lượng Socios của Barca là 175000, lớn hơn của Real rất nhiều, chỉ có 96000 Socios.

Với những thông số như trên, có thể kết luận rằng trên mặt trận kinh tế, hai kỳ phùng địch thủ này đang tạm hòa nhau: Real Madrid 2-2 FC Barcelone

A Vũ
TheoVEF/ L’équipe


Từ khóa: