Không ít bạn trẻ dù đã là sinh viên (SV) nhưng vẫn hết sức thụ động, mơ hồ về chính việc học của mình, khả năng tự học kém, phụ thuộc vào người khác.
Không ít bạn trẻ dù đã là sinh viên (SV) nhưng vẫn hết sức thụ động, mơ hồ về chính việc học của mình, khả năng tự học kém, phụ thuộc vào người khác.
Vẫn có người đưa đi học
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: “Bên cạnh một bộ phận SV rất năng động, tích cực, chủ động nắm bắt cuộc sống của mình, thì còn không ít SV bàng quan, thờ ơ, được đến đâu hay đến đó. Đầu năm học, chúng tôi phát cho SV cuốn sổ tay có những thông tin quan trọng về quy chế, quy định, cách thức đăng ký môn học, thi cử, tính điểm… nhưng nhiều em không chịu đọc. Có việc gì liên quan thì cảm thấy bất ngờ, lúc đó mới cuống cuồng đi hỏi người khác… Tôi biết nhiều bậc cha mẹ còn phải tới trường đóng học phí, hỏi điểm cho con. Có em năm 2, năm 3 vẫn chưa biết cách tính điểm trung bình cho mình. Các em đi học mà giống như học cho ai khác chứ không phải cho bản thân”. Tiến sĩ Long kể thêm: “Tôi có quen cô SV nhà ở Q.5 (TP.HCM) suốt 4 năm đi học ĐH đều có bố mẹ đưa đi. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính ỷ lại, thụ động của một bộ phận giới trẻ”.
Tham gia vào các câu lạc bộ là cách giúp sinh viên tự tin, năng động trong giao tiếp
. Sinh viên tại CLB tiếng Anh ở NVH Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh
Sự thụ động còn thể hiện ở cách tiếp cận, tiếp thu bài giảng trên lớp. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, “chẩn bệnh”: “Do quán tính quá lớn từ cách học ở phổ thông, hầu như nội dung học tập đã có thầy cô lo sẵn nên khi bước vào ĐH, nhiều SV vẫn còn tự giam hãm mình với cách học cũ. Thậm chí nhiều trường ĐH cố gắng tạo rất nhiều cơ hội để các em tự lập, chủ động trong việc học nhưng sự nỗ lực này đã vấp phải “tính ỳ” vốn có ở SV, khiến việc đổi mới phương pháp cũng gặp khó khăn không nhỏ”.
Trên thực tế, nhiều SV rất sợ bị gọi đứng lên phát biểu hay thể hiện ý kiến trước một vấn đề giảng viên đưa ra, vì vậy khi giảng viên đi một vòng quanh lớp không ít gương mặt cúi gằm xuống vì sợ… bị gọi.
“Phòng bệnh” từ nhỏ
Thạc sĩ Hiếu cho rằng cách dạy của gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn tới bạn trẻ. “Sự bảo bọc quá kỹ lưỡng của cha mẹ từ nhỏ theo kiểu “mớm mồi” đã tập cho đứa trẻ thói quen chờ đợi. Từ đó hình thành tâm thế “cơm bưng nước rót” mà không chủ động tìm kiếm tri thức và hình thành kỹ năng cho mình. Cha mẹ nên tập cho trẻ tự lo cho bản thân mình những công việc phù hợp với từng độ tuổi. Từ việc tự ăn cơm, mặc quần áo, mang giày dép (3 tuổi) cho đến việc tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng riêng, định hướng khi đi đường (5 tuổi) và cứ thế cho đến khi trưởng thành”, thạc sĩ Hiếu tư vấn. Bên cạnh đó, ông Hiếu còn nhấn mạnh: “Đôi khi cũng để cho đứa trẻ vấp ngã để chúng tự đứng dậy, bởi sau mỗi lần vấp ngã đứa trẻ sẽ cứng cáp hơn và có thêm kinh nghiệm sống. Sự chăm lo quá mức của gia đình sẽ khiến đứa trẻ sẽ trở nên yếu ớt khi bước vào cuộc đời và có tâm thế nương tựa vào người khác”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Trong 4 năm, trường ĐH không thể thay đổi một con người đã hình thành tính cách trong suốt 18 năm trước đó. Kỹ năng sống phải được đào tạo từ hồi phổ thông, lên ĐH chỉ bồi đắp thêm. Do đó, nó mang tính hệ thống, muốn thay đổi thì ngay từ nhỏ các em phải được dạy cách sống độc lập, tự lo cho mình và tự chịu trách nhiệm trước bản thân”. Nhưng như vậy không có nghĩa trường ĐH không thể cải thiện được phần nào tính thụ động, ỷ lại của SV. Tiến sĩ Lê Quang Đức - giảng viên môn điều khiển tự động Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ: “SV là trung tâm, giảng viên chỉ đóng vai trò tư vấn nhưng rất quan trọng. Nên khuyến khích SV học, làm, thực tập, chứ không phải là cung cấp kiến thức theo kiểu rao giảng lý thuyết. Nên gợi mở tư duy để SV suy nghĩ về vấn đề đó, khi suy nghĩ một cách tích cực thì sẽ tìm ra hướng tự thay đổi bản thân”.
Trong khi đó, Thế Thành, SV ngành tài chính doanh nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Em nghĩ môi trường cũng rất quan trọng để giúp một SV thụ động biến thành SV năng động. Các trường ĐH-CĐ nên tổ chức nhiều câu lạc bộ cả về học thuật lẫn sở thích để khuyến khích các bạn tham gia nhằm kích thích sự năng động, hòa nhập, học hỏi của SV”.
Mỹ Quyên
Theo Thanhnien