Rất nhiều người "ghiền" ngậm thuốc mỗi khi bị ho, Mai Anh cũng vậy. Ngậm miệt mài một thời gian, chứng viêm họng của chị kéo theo cả viêm xoang.
Rất nhiều người "ghiền" ngậm thuốc mỗi khi bị ho, Mai Anh cũng vậy. Ngậm miệt mài một thời gian, chứng viêm họng của chị kéo theo cả viêm xoang.
Việc tự ý sử dụng các loại thuốc, trong đó có thuốc ngậm, ức chế ho, giảm ho là rất nguy hiểm. Bởi khi ức chế ho, đờm không tiết được ra ngoài, mà bị ứ lại, trở thành viêm đường hô hấp mạn tính.
Ghiền ngậm thuốc
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc ngậm, thậm chí còn có những loại có hương vị hoa quả, cho cảm giác dễ chịu. Vì vậy, khi bị ho, nhiều người thường có thói quen mua các loại thuốc ngậm dạng viên về dùng.
Thuốc ngậm chỉ có tác dụng sát khuẩn họng. Ảnh: Kim Anh.
Cứ khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa là chị Mai Anh (Đống Đa, Hà Nội) lại ho dữ dội. Mỗi lần như vậy, chị lại mua thuốc ngậm để bớt ho. Thời gian đầu, chị giảm ho đi hẳn. Nhưng một thời gian sau, ho càng nhiều kèm theo có cả đờm. Đi khám bênh, chị mới hay mình đã bị viêm mũi họng kéo dài dẫn đến viêm xoang.
Chưa nặng như chị Mai Anh, nhưng chị Thảo (Xã Đàn, Hà Nội) đi đâu trong túi cũng có vài vỉ thuốc ngậm. “Mình hay mua loại thuốc ngậm có vị bạc hà, dùng loại này lâu thành quen, ngậm vào mát họng lại đỡ ho. Đầu tiên cũng chỉ dùng vài viên lúc ho nhẹ rồi dần dần cơn ho vẫn không giảm mà có chiều hướng tăng thêm khiến tôi phải sử dụng nhiều hơn”, chị Thảo, cho biết.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, khoảng 48% - 54% dân số nước ta gặp phải triệu chứng ho mỗi lúc chuyển mùa. Tuy nhiên, ho chỉ là triệu chứng của bệnh, còn nguyên nhân thì lại rất khác nhau. Ví dụ, ho có thể do cảm lạnh, viêm mũi họng, dị ứng, với trẻ em thì có thể do viêm VA, chảy mũi, hay thậm chí là có dị vật trong đường thở… Vì vậy, khi dùng thuốc cần phải xem xét nguyên nhân gây bệnh chứ không thể tự tiện mua thuốc về sử dụng.
Không nên ức chế cơn ho
Tiến sĩ Dinh cũng cho biết thêm, ho là phản xạ của cơ thể để đẩy các chất đờm trong họng ra ngoài. Như vậy ho là phản xạ để bảo vệ cơ thể, vì thế các chuyên gia thường khuyến khích chứ không ức chế cơn ho. Vì vậy, khi kê đơn, các bác sĩ cũng thường sử dụng thuốc loãng đờm chứ không phải thuốc ức chế ho. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc, trong đó có thuốc ngậm, ức chế ho, giảm ho là rất nguy hiểm. Bởi khi ức chế ho, đờm không tiết được ra ngoài, mà bị ứ lại, trở thành viêm đường hô hấp mạn tính. Như vậy, không những không chữa được căn nguyên gây bệnh mà còn trở thành vòng luẩn quẩn.
Còn các thuốc ngậm có vị hoa quả, bản chất chỉ là hương liệu đưa vào để thơm ngon, bắt mắt, dễ dùng, quan trọng là phải xem thành phần các chất trong thuốc như nào. Cũng có một số loại viên ngậm có hương bạc hà, hương chanh… có tác dụng sát trùng họng sau khi ăn uống. Tuy nhiên, cũng không được lạm dụng.
Với trẻ nhỏ thì tuyệt đối không nên cho dùng thuốc ngậm. Trẻ 6 - 7 tuổi trở lên mới nên cho ngậm thuốc. Bởi đặc tính của thuốc là ngậm để chữa, trẻ còn nhỏ quá không biết sẽ nuốt luôn. Nếu ngậm thuốc viên thì trẻ nhỏ còn có nguy cơ bị sặc. Trong trường hợp em bé bị cảm cúm, có thể dùng các thuốc long đờm dạng si rô… nhưng chỉ là hỗ trợ điều trị, còn ho nặng hơn phải có chỉ dẫn của BS, nếu ho trên một tuần phải đi khám xem có bị viêm xoang không. Với người lớn nếu ho kéo dài trên 3 tuần nên đi kiểm tra.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, trường hợp ho có liên quan đến đau họng, nên dùng mật ong hấp chanh, quất, súc miệng nước muối và uống nhiều nước.
Lan Hương
Theo Dat Viet