Chưa có thống kê chính thức nào từ Bộ Y tế về những tai biến trong sản khoa tại Việt Nam từ trước đến nay, nhưng có thể thấy một thực tế là sau những tai biến ấy (có thể gây chết mẹ, chết con, hoặc chết cả hai) thì chưa có một bệnh nhân nào giành được ưu thế trong cuộc đấu tranh với bệnh viện phụ sản.
Chưa có thống kê chính thức nào từ Bộ Y tế về những tai biến trong sản khoa tại Việt Nam từ trước đến nay, nhưng có thể thấy một thực tế là sau những tai biến ấy (có thể gây chết mẹ, chết con, hoặc chết cả hai) thì chưa có một bệnh nhân nào giành được ưu thế trong cuộc đấu tranh với bệnh viện phụ sản.
Mẹ và con đều bình thường, nhưng vẫn chết!
Ngày 20/5/2011, báo VietNamNet nhận được đơn thư của gia đình bà Đoàn Thị Báu (trú tại phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiếu nại việc bệnh viện phụ sản Hà Nội làm việc tắc trách dẫn đến cái chết của con gái bà là sản phụ Nguyễn Thị Anh Thư (SN 1984).
Bà Báu cho biết, suốt quá trình mang thai, chị Thư đều khám ở phòng khám của một bác sỹ đang làm việc tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội và kết quả thăm khám đều cho thấy chị và thai nhi đều khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Con gái sản phụ Nguyễn Thị Anh Thư vừa ra đời đã mất mẹ (Ảnh: N.A)
Tuy nhiên, sau khi chị Thư sinh con xong được 9 tiếng thì gia đình chị được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông báo chị bị giảm tri giác đột ngột, tiên đoán vỡ mạch máu não dẫn đến hôn mê sâu. Sau 2 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Thư đã qua đời...
Giải thích về trường hợp này, ông Nguyễn Duy Ánh (Phó Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội) cho biết bệnh viện nhận định nguyên nhân tử vong của chị Thư là do bị tiền sản giật dẫn đến chảy máu não khiến động mạch não bị vỡ.
Theo ông Ánh, nếu không phát hiện trước dị tật trong não thì bệnh viện chuyên khoa sản có thể trở tay không kịp nếu có vấn đề phát sinh. Do đó, ông khẳng định chị Thư được theo dõi chặt chẽ, bệnh viện không có lỗi trong sự việc này và bệnh nhân chết hoàn toàn do lỗi khách quan!
Bố chưa được ôm con lần nào thì con đã chết
Tháng 10/2010, phóng viên VietNamNet nhận được lá đơn đẫm nước mắt của anh Nguyễn Quang Tâm có vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Quý (SN 1985, làm việc tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia).
Anh Tâm đau đớn vì chưa kịp ôm con lần nào trong vòng tay thì con đã ra đi.
Anh cho biết con anh khi siêu âm hoàn toàn bình thường, nhưng sau khi sinh ra được 4 ngày, cháu bé qua đời vì nhiễm khuẩn và phát hiện dị tật trong phổi. Gia đình anh Tâm bức xúc cho rằng ngoài việc siêu âm không chính xác thì bác sỹ đã can thiệp chậm, không đảm bảo chuyên môn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ngay từ khi bắt đầu có thai, chị Quý đã đi khám và siêu âm thai ở phòng khám số 56 Hai Bà Trưng (phòng khám dịch vụ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Kết quả khám thai cho thấy, thai nhi hoàn toàn bình thường.
Rạng sáng 12/10/2010, chị Quý có cơn co. 3h sáng chị nhập viện chờ đẻ. Sau khi theo dõi đến 8h30 sáng mà tử cung không mở, các bác sỹ đã tiêm thuốc cho chị Quý để kích thích cơn co và chỉ định chị Quý vẫn đẻ thường.
Nhiều gia đình sau một thời gian dài đấu tranh rất mệt mỏi với các bệnh viện nhưng không mang lại kết quả gì đành phải chấp nhận dừng lại (Ảnh minh họa: Internet)
Quá trình tiêm thuốc và chờ đợi các cơn co kéo dài đến 16h30 (tức là gần 14 tiếng đồng hồ từ lúc nhập viện). Lúc này, tử cung chị Quý mở được 8cm và các bác sỹ bắt đầu làm các thủ thuật để đưa cháu bé ra ngoài.
Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, các bác sỹ thông báo cho chị Quý là vẫn có thể lôi cháu bé ra được nhưng vì nước ối bẩn quá nên các bác sỹ quyết định cho mổ. Chị Quý đã tự ký giấy cam kết mổ ngay trên bàn đẻ.
“Khoảng 16h30 ca mổ hoàn thành. Con tôi được chuyển ngay xuống khoa sơ sinh và các bác sỹ thông báo cháu bị nhiễm khuẩn ối do nước ối bị cạn và bẩn quá. Tôi có được vào thăm con, lúc đó tôi thấy người cháu phủ một lớp dịch màu vàng, phải thở bằng oxy nhân tạo. Sau đó tôi lại được thông báo cháu bị tràn dịch màng phổi, phải làm thủ thuật cấp cứu. Tôi buộc phải ký vào hồ sơ bệnh án”, anh Tâm nói.
4 ngày sau đó, con anh Tâm – chị Quý không qua khỏi. Cháu bé tử vong hồi 10h ngày 16/10.
“Tử cung vợ tôi không mở tự nhiên, nước ối lại cạn, trong nước ối có phân su (theo lời các bác sỹ nói sau khi cháu mất) thì tại sao bác sỹ không cho mổ sớm hơn, phải đợi từ 3h sáng đến tận hơn 4h chiều mới mổ, khiến tình trạng của cháu thêm nghiêm trọng? Trong suốt thời gian chờ đẻ, bác sỹ cũng chỉ khám có 3 lần. Vị bác sỹ theo dõi thai cho vợ tôi từ những ngày đầu cũng tỏ ra thờ ơ với bệnh nhân. Như vậy là không thể chấp nhận được”, anh Tâm bức xúc vì mất con.
Trao đổi với VietNamNet về trường hợp này, ông Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho rằng, bệnh nhân phản ánh như trên là "thiếu chính xác và không có hiểu biết gì về bệnh. Đây là trường hợp tử vong do nguyên nhân khách quan”.
Ngoài ra, ông Quyết khẳng định “bệnh viện đã chỉ định đúng, xử lý kịp thời và theo dõi chặt chẽ, không sai điều gì so với quy định của Bộ Y tế”. Cuối cùng, sau rất nhiều lần đi lại, đòi hỏi bệnh viện phải có lời giải thích thỏa đáng, anh Tâm và gia đình vẫn đành ngậm ngùi cho qua mọi chuyện vì không thể “đấu lý” với bệnh viện được.
Năm lần bảy lượt đi đòi công bằng cho cháu nội nhưng bất thành
Trường hợp bà Đỗ Thị Thanh Thủy (trú tại nhà số 2, ngách 105/15 Doãn Kế Thiện, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) có thể nói là điển hình cho việc đi tìm kiếm công bằng cho cháu nội đã tử vong tại bệnh viện phụ sản Hà Nội nhưng bất thành.
Cũng như nhiều trường hợp xấu số khác, con dâu và cháu nội bà Thủy khi đi khám tại Bệnh viện phụ sản HN đều cho kết quả bình thường, khỏe mạnh. Nhưng cuối cùng, cháu nội bà vẫn tử vong “do suy hô hấp cấp không rõ nguyên nhân” khiến bà và gia đình bức xúc cả năm trời.
Trước đó, con dâu bà khi trở dạ đã bị ra máu rất nhiều, tử cung không mở nhưng bác sỹ vẫn không cho mổ. Đến khi chỉ định mổ thì đã quá muộn, cháu bé phải thở oxy và bị tím tái. Bà và gia đình khăng khăng cho rằng bệnh viện đã theo dõi không chặt chẽ, chỉ định mổ lấy thai không kịp thời khiến cháu bé bị chết ngạt nhưng để chứng minh được điều này không phải là dễ đối với những người không có chuyên môn như gia đình bà Thủy.
Cuối cùng, sau năm lần bảy lượt gửi đơn thư khiếu nại lên Thanh tra Sở và Bộ Y tế (và bà cũng nhận lại không biết bao nhiêu công văn hồi đáp với nội dung như nhau, rằng bệnh viện đã làm đúng chuyên môn, xử lý kịp thời, vv…), cuối cùng bà đành coi như cháu bà vắn số, dừng khiếu nại để tìm lại sự bình yên cho gia đình …
Bệnh nhân đuối lý vì không có chuyên môn, lại không có cơ quan giám sát độc lập hỗ trợ đấu tranh bảo vệ quyền lợi
|
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trong ngành y Việt Nam, người bệnh có rất nhiều khiếu nại, thắc mắc nhưng không có ai nhận được câu trả lời thỏa đáng, cũng không có ai giành được ưu thế khi phải “đấu tranh” với các bệnh viện sau mỗi lần xảy ra sự cố, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng (Thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết ngành y là một ngành đặc biệt, bởi người cung cấp dịch vụ (bác sỹ) và người nhận dịch vụ (bệnh nhân) có chênh lệch quá lớn về kiến thức chuyên môn.
Do đó, người bệnh không đủ khả năng thẩm định xem dịch vụ mình được nhận có đúng không, sự can thiệp của bác sỹ là sớm hay muộn, chỉ định của bác sỹ là chính xác hay sai lầm, vv …
Ngay cả khi xảy ra hậu quả xấu thì người bệnh cũng không thể đấu tranh được với bệnh viện vì “thụ động hoàn toàn”.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hệ thống thanh tra y tế chưa hoạt động độc lập và Việt Nam chưa có một hệ thống giám sát độc lập đủ sức trở thành đối trọng với ngành y tế (trên khía cạnh chuyên môn). Do đó, trong các vụ kiện cáo, người bệnh thường không thể chứng minh lý lẽ của mình và họ đành phải chấp nhận rằng mình kém may mắn.
|
|
Theo Vietnamnet