Sau nhiều lần ngủ nướng đến trễ học, ba SV nhóm MPQ (Mạnh - Phú - Quân), lớp kỹ sư tài năng, khoa điện - điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM, đã sáng tạo nên chiếc đồng hồ báo thức thông minh: Gọi là phải dậy!
Sau nhiều lần ngủ nướng đến trễ học, ba SV nhóm MPQ (Mạnh - Phú - Quân), lớp kỹ sư tài năng, khoa điện - điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM, đã sáng tạo nên chiếc đồng hồ báo thức thông minh: Gọi là phải dậy!
Nhóm MPQ (từ trái qua: Mạnh, Phú, Quân) bên chiếc đồng hồ báo thức
thông minh - Ảnh: Hữu Công
Chiếc đồng hồ đã đoạt giải nhất phần thi sản phẩm (độ tuổi 20-30) của cuộc thi Sáng tạo trẻ dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM lần 7-2012.
Nhóm MPQ này nổi tiếng trong lớp là "siêu đi trễ". 6g30 lớp học đã bắt đầu thì gần 9g cả ba mới lọ mọ vào lớp. "Thường buổi tối học bài có trớn nên tụi mình học đến 2-3 giờ sáng luôn. Đến sáng hôm sau, dù báo thức cỡ nào cũng không dậy nổi. Tụi mình chuyên tắt đồng hồ báo thức để ngủ tiếp", trưởng nhóm Phạm Hoàng Hải Quân kể lại.
Và ý tưởng cho ra đời chiếc đồng hồ "chống ngủ nướng" nhen nhóm trong MPQ. Đó cũng là thời điểm CLB Nghiên cứu khoa học của khoa điện - điện tử (PIF) tổ chức cuộc thi sáng tạo những sản phẩm thông minh, hữu ích trong học tập và sinh hoạt D.I.D (Do it different - Tạo sự khác biệt). Cả nhóm quyết định bắt tay hiện thực hóa ý tưởng của mình thành sản phẩm để mang đi dự thi.
Nhóm MPQ được phân thành hai nhóm nhỏ để "chế" chiếc đồng hồ: bạn Mạnh lập trình phần mềm, còn Phú và Quân chuyên trách phần cứng. Chiếc đồng hồ đặc biệt ở chỗ không có chức năng tắt chuông báo thức tại chỗ. Muốn tắt tiếng kêu inh ỏi, người dùng phải ngồi dậy, đi đến nơi đặt bộ điều khiển (thường là nhà vệ sinh), nhập mật mã, nếu đúng thì bộ điều khiển sẽ gửi tín hiệu qua sóng vô tuyến về đồng hồ. Nhận được tín hiệu, bộ xử lý của đồng hồ sẽ tắt chuông báo và chờ trong 30 giây. Trong thời gian đó, nếu người dùng tiếp tục trở lại giường ngủ, đồng hồ sẽ nhận biết thông qua cảm biến phát hiện vật thể và đổ chuông trở lại. Muốn tắt chuông, người dùng buộc phải lặp lại thao tác như ban đầu. "Khi vận động liên tục như vậy, người dùng sẽ tỉnh ngủ. Chiếc đồng hồ sẽ chữa "bệnh" ngủ nướng rất tốt nếu bạn biết trân trọng nó, đừng đập phá nó khi bực tức", Quân nói.
Thành viên Nguyễn Văn Phú cho biết: "Bộ điều khiển gửi tín hiệu về đồng hồ là phần mới nên tụi mình mất nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu cho phần này nhiều nhất. Nhiều lúc làm xong về nguyên lý thì đúng rồi nhưng thực tế - không vận hành được. Vậy là cả nhóm phải mò mẫm, kiểm tra lại, có khi phải làm lại từ đầu" - Phú nói. Kẹt nỗi nhóm MPQ sống trong ký túc xá ĐH Bách khoa TP.HCM (Q.10) nên mỗi lần chạy thử nghiệm sản phẩm, cả ba phải rón rén để chiếc đồng hồ không làm kinh động bạn cùng phòng.
Với linh kiện sẵn có, cả nhóm quyết định gắn thêm cảm biến nhiệt độ để chiếc đồng hồ có thêm chức năng cảnh báo cháy. Khi nhiệt độ trong phòng vượt quá 50OC, đồng hồ sẽ đổ chuông và chuyển sang chế độ hiển thị nhiệt độ. Chỉ khi nhiệt độ trong phòng giảm xuống dưới 40OC, đồng hồ mới ngưng chuông báo, trở lại chế độ hiển thị giờ, phút, giây và hoạt động bình thường.
Theo Thanhnien