Quan sát sự chuyển động từ một loài côn trùng bé xíu trong tự nhiên, hai sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã chế tạo thành công robot kiến để ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
Quan sát sự chuyển động từ một loài côn trùng bé xíu trong tự nhiên, hai sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã chế tạo thành công robot kiến để ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
Tác giả sản phẩm tinh tế và độc đáo này là Phạm Ngọc Anh Tùng và Trần Văn Vinh.
Phạm Ngọc Anh Tùng chia sẻ: “Trong tự nhiên, kiến là một loài vật rất kỳ lạ. Nó có thể di chuyển ở những nơi chênh vênh nhất mà con người không thể tiếp cận, hoặc nếu có tiếp cận được đi chăng nữa thì cũng nguy hiểm cho tính mạng của mình. Chính vì vậy, mình muốn chế tạo một con robot có thể thay con người làm một số việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn, để giảm bớt sự rủi ro cho họ. Robot kiến ra đời từ những mong muốn và trăn trở ban đầu như thế”.
Trần Văn Vinh (trái) và Phạm Ngọc Anh Tùng cùng robot kiến - Ảnh: Lê Thanh
Robot kiến có 1 đầu, 2 càng, 6 chân, mỗi chân có 3 khớp gồm 2 khớp song song với nhau và 1 khớp xoay tới xoay lui. Kết cấu khớp nối chân theo cơ cấu chữ V, tạo nên sự chuyển động giống kiến. Phần đầu gồm 4 động cơ, 2 động cơ cho 2 càng có thể gắp các vật cản và nâng vật khi di chuyển, 2 động cơ còn lại đảm bảo sự di chuyển linh hoạt 360 độ cho đầu robot. Bàn chân được tích hợp hệ thống 6 cảm biến va chạm giúp robot nhận biết và di chuyển được trên địa hình lồi lõm, ghồ ghề. Robot được bao bọc bởi lớp vỏ bằng sợi thủy tinh với độ bền cơ học cao, kiểu dáng hoàn chỉnh và đạt được hiệu quả thẩm mỹ.
Nói về tính ưu việt của robot, Trần Văn Vinh cho biết: “Do cấu tạo của kiến có nhiều chân. Các chân tiếp xúc mặt đất tại các điểm có tiết diện tiếp xúc nhỏ, vả lại các điểm tiếp xúc khi di chuyển không liên tục như các loại robot sử dụng bánh xe khác. Vì vậy, trong bất cứ hành động di chuyển nào, robot kiến đều có tối thiểu ba chân tiếp xúc với mặt đất nên tư thế di chuyển luôn vững vàng. Đặc biệt, hệ thống cảm biến đặt dưới 6 bàn chân robot giúp nó có thể nhận biết vị trí chạm. Hơn nữa, trên phần đầu của robot được gắn thêm một chiếc camera giúp người điều khiển có thể quan sát môi trường xung quanh khi robot hoạt động, thông qua màn hình máy tính. Với camera này, người sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới có thể quan sát hình ảnh thông qua mạng internet”.
Chia sẻ về những ứng dụng của robot kiến, Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết: “Chúng ta có thể dùng robot kiến để nghiên cứu trong lĩnh vực robot sinh học (mô phỏng tự nhiên) về cách di chuyển và phản ứng sinh vật. Ngoài ra, nó còn có thể sử dụng trong lĩnh vực trinh sát địa hình, thu thập dữ liệu (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất), hình ảnh môi trường thông qua camera, các cảm biến tích hợp trên robot. Với kiểu dáng bắt mắt, độ thẩm mỹ cao nên nó còn có thể sản xuất đại trà theo hướng đồ chơi công nghệ cao để bán trên thị trường”.
Lê Thanh
Theo Thanhnien