Từ 1/7/2016, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH giấy Lee & Man VN.
Trong thông tin báo chí ngày 26/6, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nêu rõ, thời gian gần đây, các cơ quan thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều tin bài lo ngại Nhà máy Giấy Lee & Man của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang sau khi hoạt động có thể gây “bức tử” sông Hậu.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Hậu Giang và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Một hạng mục của Nhà máy Giấy Lee & Man. Ảnh: viettimes.vn
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định 759/QĐ-TCMT về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, Đoàn sẽ tiến hành công bố quyết định thanh, kiểm tra vào ngày 30/6/2016 và bắt đầu thực hiện công việc từ ngày 01/7/2016.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận định, dự án Nhà máy Giấy Lee & Man của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu đoàn thanh tra, kiểm tra cần phải xem xét toàn diện các nội dung gồm:
Thứ nhất, kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung ĐTM, Giấy phép xả thải, nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải.
Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam: trong thực hiện quy định ĐTM, Giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm…
Thứ ba, kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.
Về thành phần đoàn thanh, kiểm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu ngoài đại diện Tổng cục Môi trường; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang; đại diện Sở Công thương Hậu Giang; đại diện Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hậu Giang; đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, còn phải mời một số chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất giấy tham gia đoàn thanh, kiểm tra.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu: kết quả kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; Đồng thời phải đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy đi vào giai đoạn vận hành thử nghiệm sản xuất, các giải pháp yêu cầu nhà máy phải tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành.
theo Công lý