Tập đoàn FPT (Mã: FPT) cho biết doanh thu 10 tháng đầu 2023 đạt 42.465 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.689 tỷ đồng, tăng 21% và 19,1% so với cùng kỳ.
Cụ thể, kết thúc 10 tháng, Tập đoàn FPT đã thực hiện được 81,2% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ là 5.407 tỷ đồng, tăng 18,8% so với 10 tháng đầu 2022 và đạt 84,9% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023. Tính riêng tháng 10, FPT đạt 4.538 tỷ doanh thu và 665 tỷ lãi ròng.
Mảng công nghệ tiếp tục đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận trước thuế của tập đoàn với tỷ trọng lần lượt là 59% và 46%. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu và lãi trước thuế 10 tháng của mảng công nghệ tăng 24,4% và 20,6%.
Mảng Dịch vụ Công nghệ thông tin thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng, đạt mức doanh thu 19.790 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,8%. Dẫn đầu bởi sức tăng đến từ thị trường Nhật Bản (tăng 44,1%) và APAC (tăng 35%).
Thị trường Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu theo đồng yen đạt 54%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.
Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt mức 23.123 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng 26,5%.
Mảng Dịch vụ Công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu 5.391 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 8%. FPT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành và các doanh nghiệp nước ngoài để duy trì mức tăng trưởng.
Doanh thu chuyển đổi số 10 tháng ghi nhận 8.838 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
10 tháng, mảng viễn thông đem về 13.022 tỷ doanh thu và 2.579 tỷ lãi trước thuế, tăng lần lượt 8% và 9,6% so với 10 tháng đầu năm ngoái.
Mảng giáo dục ghi nhận doanh thu 10 tháng tăng gần 53% lên 4.262 tỷ và lãi trước thuế tăng hơn 34% lên 1.588 tỷ, đóng góp 21% vào lợi nhuận tập đoàn.
Được biết, tiền thân của Công ty FPT là Công ty Công nghệ Thực phẩm (The Food Processing Technology Company) được thành lập vào ngày 13/9/1988.
Ngày 27/10/1990, công ty đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Tháng 3/2002, công ty cổ phần hóa với tên Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Công ty bắt đầu niêm yết với mã FPT ngày 13/12/2006, trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Ngày 19/12/2008, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần FPT (FPT Corporation).
Khởi đầu với 13 thành viên, sau hơn 30 năm thành lập, FPT hiện là Tập đoàn Công nghệ thông tin - Viễn thông lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. FPT cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực: Xuất khẩu phần mềm; Tích hợp hệ thống; Phát triển phần mềm; Dịch vụ CNTT; Phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam. Bên cạnh sự lớn mạnh tại thị trường trong nước, FPT đã khẳng định được vị thế trên toàn cầu với sự hiện diện tại 4 châu lục, 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, FPT là đối tác cấp cao của các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Microsoft; SAP; Apple; Cisco; IBM; Oracle; Dell; Amazon Web Services… Ngoài ra, FPT đã và đang bắt kịp những xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới như S.M.A.C, IoT... nhằm triển khai và cung cấp các dịch vụ/giải pháp thông minh tới khách hàng.
Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuếư của FPT đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong năm 2020, FPT đã mở rộng quy mô toàn cầu với 4 chi nhánh mới tại Canada, Trung Đông, Ấn Độ và Costa Rica, nâng tổng số văn phòng lên 52 tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng tại các khu vực trọng điểm như Mỹ và Châu Á-Thái Bình Dương cũng như toàn cầu.
Năm 2021, FPT sẽ tập trung vào hai mũi nhọn chính: Chuyển đổi số toàn diện và đầu tư xây dựng những nền tảng mạnh mẽ, là cốt lõi cho việc phát triển mô hình kinh doanh, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đa lĩnh vực và người dân.
Tiến Hoàng/KTDU