Dantin - Về quê ăn Tết, sinh viên đã kêu trời vì tàu xe, thì sau Tết điệp khúc ấy lại tiếp tục.
Dantin - Về quê ăn Tết, sinh viên đã kêu trời vì tàu xe, thì sau Tết điệp khúc ấy lại tiếp tục.
Giá vé vẫn tiếp tục tăng gấp đôi
Nhiều trường ĐH, CĐ được nghỉ ngoài mùng 8 Tết, nhưng từ mùng 6 Tết, các bến xe đã bắt đầu đông nghẹt người. Hầu hết ai cũng chọn đi ngày chẵn vì theo quan niệm của người Việt đó là ngày đẹp.
Bến xe Mỹ Đình đông nghẹt người sau Tết
“Những tưởng sau Tết thì giá cả ổn định, đi lại dễ dàng hơn, thế nhưng mình vẫn phải đứng từ Ninh Bình đến Hà Nội vì thiếu ghế, đã vậy tiền vé còn gấp đôi ngày thường”, Hoàng Ngân (ĐH Thủy Lợi) thở dài chia sẻ. Quãng đường đi từ Ninh Bình lên Hà Nội của cô sinh viên này vừa bị chặt chém, vừa phải đứng khổ sở, nhiều đồ đạc còn bị đè bẹp. Biết vậy, nhưng Ngân vẫn phải ngậm ngùi chịu đựng. Vì thái độ hung hăng của lơ xe, hễ ai phàn nàn, anh này chửi lại ngay lập tức, thậm chí còn đuổi khách xuống giữa đường không trả tiền lại.
Đối với những sinh viên ở miền Nam, miền Trung ra Bắc học, thì vừa ăn Tết, vừa phải lo mua vé đi, vì nếu không mua trước, các bạn ấy sẽ không bao giờ có chỗ.
Sau chuyến xe giường nằm ra Hà Nội, Hải Phương (Hà Tĩnh) ấm ức: “Mình phải nằm ở luồng (lối đi của xe) thế mà vẫn phải chịu giá vé gấp đôi". Không chỉ thế, Phương còn chịu cảnh chốc chốc lại có hành khách đi vệ sinh bước qua người. Cô bạn chỉ biết ngậm ngùi chùm chăn. Chưa hết, Phương còn bị một tên "yêu râu xanh" lợi dụng sàm sỡ.
Theo khảo sát của chúng tớ, giá vé nhiều tuyến xe tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường như: vé từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra Hà Nội bình thường là 180.000 đồng, sau Tết đã lên tới 400.000/ người...vv
Xanh mặt với xe ôm, taxi
Đối với nhiều sinh viên thì việc đi xe bus là điều dễ hiểu. Tuy nhiên sau Tết, ai cũng nhiều đồ đạc như valy, balo, hay thêm đồ ăn như gạo, quà mừng tuổi…vv nên việc đi xe bus bị hạn chế. Sự lựa chọn tốt nhất thời điểm này là xe ôm và taxi. Nhưng hai phương tiện này cũng chẳng thoải mái hơn bao nhiêu.
Hành khách được các chú xe ôm, taxi chào mời nồng nhiệt
Vừa mới bước xuống bến xe Mỹ Đình được 3 phút, Minh Luân đã được một anh taxi đon đả xách đồ mời mọc đi xe. Thấy nhiều đồ nghĩ không đi được xe bus mà trời thì mưa nên Luân gật đầu đi taxi. Nhưng chưa kịp mừng, Luân đã bức xúc: “Mình phải nộp phí 10 nghìn cho taxi để ra bến, về nhà cách bến xe 3km mà đồng hồ taxi chỉ tận 60 nghìn, không thể tin được, chắc chắn anh ta đã ăn gian".
Không bị ấm ức như Luân nhưng Thế Hoàng (HV Ngân Hàng) cũng điếng người khi nhớ lại: “Mình đi Thanh Hóa ra mệt lử người vì say xe nên phải đi xe ôm. Mình đưa 100 nghìn chờ bác tài gửi lại 60 nghìn, nhưng bác ta ôm tiền chạy thẳng. Tức điên mà không làm gì được".
Vẫn biết tình trạng đi lại dịp trước và sau Tết là việc nói mãi không hết, nhưng năm nào cũng có vấn đề để bàn. Đừng ngồi chờ sự thay đổi từ đâu đến, hãy học cách bảo vệ mình và đi lại thông minh trước đã bạn nhé.