Các chuyên gia nghiên cứu của Siemens vừa phát triển một phần mềm thử nghiệm có thể mô phỏng quá trình sơ tán của các sân vận động, nhà ga và các tòa nhà, cũng như tối ưu hóa các tuyến thoát hiểm.
Các chuyên gia nghiên cứu của Siemens vừa phát triển một phần mềm thử nghiệm có thể mô phỏng quá trình sơ tán của các sân vận động, nhà ga và các tòa nhà, cũng như tối ưu hóa các tuyến thoát hiểm.
(Nguồn: Siemens)
Phần mềm này tính toán việc chuyển động của hàng nghìn người và có thể cải tiến được tùy theo từng tình huống cụ thể.
Chương trình này đã được kiểm nghiệm với các kịch bản thực tế và có thể được sử dụng để đào tạo lực lượng cảnh sát và cứu hỏa.
Sơ tán khỏi một tòa nhà đang chật ních người là một thử thách lớn. Đó là lý do tại sao các chuyên gia thiết kế tòa nhà cần phải lường trước được tốc độ mà mọi người có thể thoát khỏi tòa nhà trong trường hợp khẩn cấp. Họ cần biết đâu sẽ là lối thắt nghẽn, số lượng người có thể đi qua một hành lang cùng một lúc, và các cửa nào nên được mở.
Các tình huống sơ tán một khối lượng lớn người đều rất phức tạp và khiến việc ra quyết định trở nên khó khăn, mô hình mô phỏng rất cần thiết để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề này. Bởi vậy, các nhà khoa học tại bộ phận nghiên cứu toàn cầu Công nghệ Doanh nghiệp của Siemens, phối hợp cùng bộ phận Công nghệ Tòa nhà của Siemens, đã phát triển một mô hình toán học phục vụ cho loại tình huống này và đã được sử dụng cho một loại các dự án công.
Dựa trên cách bài trí của tòa nhà hoặc địa thế của khu vực, mô hình phần mềm phân chia các không gian thành các ô riêng lẻ mà con người có thể di chuyển qua. Thông thường, con người có xu hướng di chuyển có mục đích và tránh các vật cản gặp trên đường như cột trụ và rào chắn, cũng như di chuyển gần những người họ biết và tránh xa những người lạ.
Bên cạnh đó, mỗi người trong mô hình này có tốc độ di chuyển riêng, và có thể thay đổi như trong thực tế khi đi bộ cầu thang hoặc qua các đoạn dốc. Nhờ mô hình này, phần mềm có thể tính toán được sự chuyển động của hàng nghìn người nhanh gấp 10 lần so với thực tế có thể xảy ra.
Từ các cuộc thử nghiệm cho các kịch bản thực tế trong sân vận động bóng đá, sân ga lớn, diễn tập cứu hỏa tại trường tiểu học, cho các lực lượng cảnh sát và cứu hỏa, mô hình được tạo ra bởi phần mềm thể hiện tính thực tế cao bởi nó có thể được cải tiến thích hợp cho nhiều điều kiện khác nhau. Ví dụ, tại các trung tâm thương mại, mọi người di chuyển với tốc độ khác nhau nhiều hơn so với tại các nhà ga, và đám đông càng dày đặc thì tốc độ di chuyển của mọi người càng chậm.
Phần mềm này cho phép các nhà nghiên cứu có thể xác định cách thức sắp xếp hợp lý các cột trụ và rào chắn như “đê chắn sóng” để giúp phân tán đám đông, cách thức mở rộng các cầu thang và cửa ra vào để có thể làm giảm tải các lối thắt nghẽn, cũng như cách cải tiến các lối thoát hiểm linh hoạt cho từng tình huống cụ thể./.
Theo Vietnam+