Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến xuân về là nhu cầu tiền lẻ, tiền mới lại sôi động hẳn lên. Tuy nhiên những đồng tiền này có được sử dụng đúng mục đích hay không lại là chuyện khác.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến xuân về là nhu cầu tiền lẻ, tiền mới lại sôi động hẳn lên. Tuy nhiên những đồng tiền này có được sử dụng đúng mục đích hay không lại là chuyện khác.
Theo một thống kê, tỷ lệ trung bình của tiền lẻ được một người dùng vào dịp Tết Nguyên đán thông thường như sau: đặt lễ ở đền, chùa chiếm gần 75%, dùng vào việc mừng tuổi, làm từ thiện chiếm 20%, chi trả ở siêu thị và chợ chỉ chiếm trên 5%.
Như vậy, một lượng tiền lẻ rất lớn đã không thực sự tham gia trong cơ cấu lưu thông tiêu dùng thông thường. Sự gia tăng những đồng tiền mệnh giá nhỏ không những làm tốn kém về khối lượng vật tư in ấn cho ngành ngân hàng, mà còn làm dư thừa, mất cân đối nghiêm trọng theo vùng và nhịp độ thời gian lưu thông tiền lẻ trong năm.
Một cán bộ ngân hàng phải thốt lên, những ngày Tết chi ra bao nhiêu thì sau đó lại nhận vào bấy nhiêu, thậm chí còn nhiều hơn. Và quan trọng hơn là số tiền này không biết làm cách nào để đưa trở lại lưu thông.
Những đồng tiền lẻ này chủ yếu chỉ được sử dụng trong dịp Tết và lễ hội, sau đó lại quây về kho
Trong một lần trò chuyện cùng ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Thành cho biết, trước Tết, lượng tiền lẻ trong kho không nhiều, song từ sau Tết nhất là từ tháng 3, chỉ có thu vào, chi ra chẳng được bao. Tất nhiên không phải toàn bộ số tiền mới đã đưa ra lưu thông quay trở lại ngân hàng mà phần lớn ở lại thay thế các đồng tiền đã phát hành trước đó, một phần tồn đọng trong các gia đình và một phần quay trở lại ngân hàng.
Vì thế, kho tiền của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, bên cạnh những bao tiền cũ đã quay nhiều vòng trong lưu thông có một lượng lớn là các bao tiền mới chỉ được sử dụng một lần. Vào thời gian cao điểm của mùa lễ hội, tiền lẻ về nhiều đến nỗi kho của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội chẳng thể chứa nổi.
Ông Thành thừa nhận, chính vì vậy mà kho của Ngân hàng ngày một dày thêm. Số tiền này cũng không thể đưa ra ngoài lưu thông. Thậm chí, rất nhiều siêu thị mặc dù “từ chối” không nhận tiền mệnh giá nhỏ từ các ngân hàng, nhưng vẫn ghi biển: “Do khan hiếm tiền lẻ nên khách hàng vui lòng nhận kẹo.”
Ngay tại khu vực Chùa Hương vào mùa lễ hội đâu đâu cũng thấy bạt ngàn tiền lẻ. Tiềm thức cúng dường, tiền giọt dầu để cầu may, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc được hiện hữu bằng việc người dân rải tiền khắp mọi nơi. Từ tay Phật, tay thánh, ban thờ thậm chí là gieo luôn dưới chân mình khi không chen chân được vào trong bàn để lễ. Nhà chùa trước cảnh ấy đành phải nhờ các chấp tác cố công nhật và nhặt không nghỉ ngơi. Ba tháng lễ hội cũng là thời gian trên chùa lúc nào cũng thường trực 50-60 chấp tác chỉ chuyên làm một nhiệm vụ nhặt và phân loại tiền. Ngôi nhà chứa tiền còn to hơn cả kho tiền của ngân hàng tỉnh.
Thực tế, theo phản ánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Mỹ Đức, Hà Nội, đơn vị thường xuyên tiếp nhận một lượng tiền lẻ khổng lồ từ Chùa Hương đồ về. Mới đây nhà chùa đã chuyển ra ngân hàng 2 xe to tiền lẻ, khoảng gần 3 tỷ đồng. Cán bộ tín dụng của ngân hàng lại oằn lưng kiểm đếm, bó để chuyển về trung ương. Cũng theo ngân hàng này, 4 năm gần đây, bình quân mỗi năm cứ khoảng 20.000 bó tiền lẻ được thu về.
Đền Bà Chúa kho và nhiều đền chùa khác như chùa Bái Đính, Yên Tử, Phủ Tây Hồ... đâu đâu cũng một thảm cảnh tương tự. Những đồng tiền rơi vãi đặt không đúng chỗ, không chỉ làm mất đi cảnh quan nơi cửa Phật mà còn làm xấu đi hình ảnh đồng tiền vốn được coi là một thương hiệu quốc gia.
Trước thực trạng tiền lẻ sau khi đưa ra lưu thông vào dịp Tết lại quay lại nằm “chết dí” trong kho không thể quay vòng được, Cục Phát hành – Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước chủ trương cắt giảm một lượng lớn tiền lẻ mới ra thị trường trong dịp Tết này.
Đại đức Thích Minh Hiền, trụ chì Chùa Hương trầm ngâm, tục lệ cúng tiền lẻ, đặt tiền lẻ lên các ban thờ là cơ sở để tạo ra nghịch lý đang tồn tại 80.000 đồng to hơn 100.000 đồng. Đại đức Thích Minh Hiền lý giải "đó là tại tính tham". Nếu để tiền mệnh giá lớn mà rải khắp mọi ban thì nhiều người dân không có nhưng lại sợ rải không đủ thì Phật, Thánh không phù hộ.
"Tuy nhiên, tập tục này chỉ xuất hiện ở khách thập phương, các phật tử không xử sự như vậy," Đại đức Thích Minh Hiền khẳng định. Các phật tử khi đến chùa đều cho thượng tọa của chùa hoặc bỏ vào hòm công đức, bởi họ biết rằng dù có cúng đâu thì cúng, tất cả các tiền đó cũng đều được nhà chùa thu về để hương hoa cúng Phật, cầu khấn sự bình an cho họ.
Từ thói quan tới tập tục, từ văn hóa ứng xử tới hành động, dòng đời tiền lẻ vì thế cứ "bèo dạt, mây trôi". Mục tiêu in tiền lẻ của Ngân hàng Nhà nước để phục vụ lưu thông. Song, nhu cầu thực sự chỉ có khi đến mùa lễ hội, tiền lẻ đa phần phục vụ cúng lễ, tâm linh để rồi cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cán bộ kho quỹ lại oằn lưng cõng tiền mới ra, cõng tiền cũ về.
Minh Thúy
Theo Vietnam+