Hàng nghìn hộ dân trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng hiện đang khóc ròng vì giá hành sụt giảm mạnh, trong khi đó thị trường tiêu thụ - xuất khẩu trong và ngoài nước lại đang bế tắc...
Hàng nghìn hộ dân trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng hiện đang khóc ròng vì giá hành sụt giảm mạnh, trong khi đó thị trường tiêu thụ - xuất khẩu trong và ngoài nước lại đang bế tắc...
Giá rớt thê thảm
Ngày 27.3, giá hành tím ở Vĩnh Châu sụt giảm chỉ còn khoảng từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, giảm hơn phân nửa so với đầu vụ. Những ngày này, theo ghi nhận của chúng tôi dọc theo các tuyến đường về các xã chuyên canh hành tím Vĩnh Châu, Vĩnh Tân, Vĩnh Hải và Lạc Hòa đâu đâu cũng chỉ thấy toàn là hành. Ngoài rẫy, nhiều bà con Khmer vừa thu hoạch vừa trông ngóng thương lái đến mua.
Thậm chí nhiều người còn đem hành chất cả đống ngoài đường để chào hàng. Bà Lâm Thị Xà Phước, ấp Đại Bái B, xã Lạc Hòa cho biết: Đầu vụ (tháng 1.2013) giá hành tím khoảng 12.000 – 13.000 đồng/kg, rồi giảm xuống còn 7.000- 8.000 đồng/kg và đến thời điểm này chỉ từ 5.000- 6.000 đồng/kg.
Hàng trăm tấn hành tồn kho chưa xuất qua Indonesia đang nằm tồn kho tại doanh nghiệp Đức Vinh.
Lão nông Châu Lâm phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu thở dài: “Vụ hành năm nay, gia đình tôi vừa thu hoạch xong được 5 tấn hành, đầu vụ thấy giá lên đến trên 10.000 đồng/kg khiến người trồng hành hết sức phấn khởi. Nay giá hành rớt giá thê thảm, đầu ra lại gặp khó khăn, trong khi đó chi phí chăm sóc một công hành từ 10 – 11 triệu đồng. Với đà này, người trồng hành lỗ nặng”.
Hầu hết người trồng hành đều than khó rằng: Giá rớt kiểu này nông dân phải chịu lỗ 2-3 triệu đồng/công. Năm nào cũng vậy, cứ đến thu hoạch rộ, thương lái ra giá bao nhiêu là bán bấy nhiêu; nông dân bị bắt chẹt, hoàn toàn không quyết định được giá.
Bế tắc đầu ra
Trước tình trạng chưa có đầu ra, lượng hành tồn đọng trong dân rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng hành thương phẩm. Ngày 27.3, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trịnh Đức Vinh - Giám đốc DNTN Đức Vinh cho biết: “Vụ hành tím năm 2013, Vĩnh Châu sản xuất hơn 120.000 tấn. Với sản lượng này, hành tím chỉ tiêu thụ thị trường nội địa chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh miền Trung gần 30%; hơn 70% còn lại xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Singapore, Malaysia Philippines… Trong đó, thị trường Indonesia nhập khẩu khoảng 70% tổng số hành xuất khẩu của Sóc Trăng”.
|
“Mỗi năm doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Indonesia khoảng 7.000- 8.000 tấn, cùng thời điểm này năm ngoái cơ bản đã xuất xong, nhưng từ đầu năm đến giờ vẫn chưa xuất được ký nào.”
Ông Trịnh Đức Vinh
|
|
“Trước tình cảnh trên không riêng gì bà con trồng hành mà doanh nghiệp cũng đứng ngồi không yên”– ông Vinh than thở.
Ông Vinh cho biết thêm: “Đầu năm 2013, phía Indonesia “bỗng dưng” tạm ngừng nhập khẩu khiến doanh nghiệp không biết xoay xở ra sao”. Ông Vinh cũng cho biết thêm, hiện nay kho chứa của doanh nghiệp còn đang tồn đọng 400 tấn hành chưa tìm được đầu ra. Phía Indonesia không nhập khẩu hành tím không riêng gì của Việt Nam mà cả Thái Lan, Philippines...
Tuy nhiên, ông Vinh cũng tỏ ra lo ngại khi thời gian gần đây phẩm chất hành tím Vĩnh Châu ở một số nơi có dấu hiệu giảm. Phía doanh nghiệp cùng với người trồng hành đã thực hiện quy trình Global GAP với diện tích 100ha để có phẩm chất hành tím tốt để cạnh tranh khi xuất khẩu. Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Trước mắt, huyện đã kiến nghị Sở Công Thương sớm tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bà con trồng hành. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục vận động bà con không nên sản xuất ồ ạt, nhằm bảo đảm cung không vượt cầu”.
Đức Khánh
theo Dân Việt