Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin, nơi đây không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn được thiên nhiêu ưu ái về khí hậu thổ nhưỡng, được mệnh danh là “xứ sở chè xanh”. Nắm bắt được thị trường, cây chè đang trở thành cây trồng chủ lực trong xã, vừa góp phần phát triển kinh tế xoá, xoá đói giảm nghèo, vừa đẩy mạnh du lịch cho xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.
Được biết, cây chè bén duyên với vùng đất sơn cước từ những năm 60 của thế kỉ trước, khi người tỉnh Thái Bình lên phát triển kinh tế và đem theo cây chè lên trồng. Ngày nay, khi đến thăm xã Phổng Lái, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp với những nương chè xanh trải dài bát ngát.
Tính đến nay, xã Phổng Lái hiện đang có 750 ha chè trên địa bàn và phát triển với hai loại chè chính là chè Olong và chè xanh. Do thích hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến nghiêm ngặt mà sản phẩm chè trồng tại huyện Thuận Châu có nhiều điểm khác biệt và ưu thế hơn với chè của địa phương khác, nước có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị đậm chất dịu.
Đặc biệt, cây chè đã khẳng định vị thế vững chắc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân ở xã Phổng Lái. Đến nay, đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh… tại các bản như: Pá Chặp, Khau Lay, Thư Vũ… đều tích cực phát triển, mở rộng diện tích trồng chè. Nhờ có cây chè, người dân Phổng Lái, nhất là bà con dân tộc Mông đã bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, sống định canh, định cư. Cùng với việc trồng các loại cây ăn quả, bà con chú trọng thâm canh cây chè. Những nương chè ngày càng vươn rộng trên những triền đồi, đang trở thành nguồn thu nhập chính của bà con nhân dân các dân tộc nơi đây. Cây chè đã giúp đời sống bà con ngày càng ổn định và phát triển.
Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, chia sẻ: Gốc gia đình bà ở Thái Bình. Những năm 1960, bố mẹ từ Thái Bình lên vùng đất Phổng Lái để khai hoang, lập nghiệp. Đến năm 1971, bà được sinh ra ở Phổng Lái và gắn bó với mảnh đất ở đây đến tận bây giờ. Ngày từ khi còn nhỏ, cuộc sống của bà đã gắn liền với cây chè. Cũng vì thế, bà hiểu được những nỗi khó khăn, vất vả của người trồng chè ở gần nhà. Bà mong muốn góp sức mình để chia sẻ khó khăn với người dân trong bản, đồng thời tăng thu nhập cho bà con. Sản phẩm chè của HTX được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm chè của HTX được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan. Mỗi năm, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên. Đặc biệt, thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi.
Cùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu của xã Phổng Lái phù hợp với phát triển cây chè, sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2013, bà đã thành lập HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận. Mục tiêu của HTX là sản xuất chè, làm thương hiệu để cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao giá bán chè cho người dân địa phương. HTX Bình Thuận được thành lập tháng 10/2013. Các sản phẩm chính của HTX, gồm: Chè kim tuyên, shan tuyết, chè lai F1, F2, 100% chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Dây chuyền sản xuất của HTX hiện đang có công suất 20 tấn chè búp tươi/ ngày, tương đương với khoảng 4 tấn chè khô thành phẩm. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500 tấn chè khô xuất ra thị trường.
Cuối năm 2019, sản phẩm chè Phổng Lái, Thuận Châu của HTX đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Năm 2019, HTX được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận "Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu" là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tháng 9/2020 sản phẩm Chè Trọng Nguyên - Phổng lái Thuận Châu được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chứng nhận là sản phẩm đạt danh hiệu "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019".
Ngoài tạo việc làm cho hội viên, HTX Bình Thuận đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như Phổng Lái, xã Chiềng Pha, Xã Mường E (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng.
Ông Mè Văn Tiền - Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, chia sẻ: “Hiện, xã đã được chứng nhận thương hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và phát triển được vùng chè nguyên liệu rộng lớn với 750 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 531 ha, không chỉ góp phần tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè mà còn giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, trong đó có những người làm nghề thu hái chè cả trong và ngoài địa bàn xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân”.
Bà Quàng Thị Phượng - Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thuận Châu cho biết, sản phẩm chè Trọng Nguyên là 1 trong 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của huyện Thuận Châu. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục duy trì phát triển vùng nguyên liệu chè tại xã Phỏng Lái và định hướng phát triển theo xu hướng của thị trường hiện nay là áp dụng khoa học công nghệ cao và sản xuất theo hướng hữu cơ. Đối với các sản phẩm có thể đáp ứng được thị trường khó tính hiện nay, huyện Thuận Châu cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chế biến. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ máy móc hiện đại trong khâu trong chế biến, bảo quản để sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, với định hướng mang tính dài hơi, thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để đồng bào các dân tộc trong huyện nói chung và người dân xã Phổng Lái nói riêng hiểu, xác định cây chè là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Đồng thời, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch; tiếp tục phát triển cây chè tại một số địa bàn hiện nay vẫn còn diện tích đất trống giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Minh Đông - Thanh Phong/ VP Tây Bắc
Theo Kinh tế và Đồ uống