Khoảng nửa triệu mét khối đất đá phế thải của mỏ than Phấn Mễ sầm sập đổ xuống khi cả xóm nghèo đang trong giấc ngủ. Hàng chục hộ dân trở tay không kịp, tiếng than khóc bị át bởi tiếng đá rơi, mịt mù khói bụi...
Khoảng nửa triệu mét khối đất đá phế thải của mỏ than Phấn Mễ sầm sập đổ xuống khi cả xóm nghèo đang trong giấc ngủ. Hàng chục hộ dân trở tay không kịp, tiếng than khóc bị át bởi tiếng đá rơi, mịt mù khói bụi...
Thẫn thờ ngóng tin người thân đang bị vùi lấp dưới lớp đất đá - Ảnh: Quang Thế
Hai ngày nay, hàng ngàn người dân của huyện Đại Từ kéo về xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên để bày tỏ nỗi xót xa thương cảm đối với sáu nạn nhân xấu số trong vụ lở đất kinh hoàng lúc 4g30 sáng 15-4 (một người đã được tìm thấy và chôn cất, năm nạn nhân vẫn còn mất tích).
Như sóng thần!
Phế thải cao hơn núi
Anh Hà Văn Hào, con trai cụ Vũ Thị Hồng, cho biết từ năm 1996 mỏ than Phấn Mễ bắt đầu đổ phế thải xuống núi Sơn Dương. Ban đầu, các đống phế thải chỉ cao bằng đỉnh núi thì dừng lại nhưng trong nhiều năm gần đây đống phế thải cao hơn núi rất nhiều, giờ chả còn nhìn thấy đỉnh Sơn Dương đâu nữa. Đây phần lớn là phế thải khô (đất đá rời và vụn) nên nguy cơ sạt lở thấy rất rõ. Theo ước tính vụ sạt lở phế thải này đã phá hủy toàn bộ đất đai, hoa màu và ruộng vườn trên diện tích chừng 10ha.
|
Ngoài số người không may mắn bị vùi lấp còn gần 30 người nhanh chân chạy thoát dù nhà cửa, vườn tược và tài sản tích cóp bao đời chả còn gì. Có mặt tại nhà văn hóa thôn Khuôn 1, anh Hà Văn Hùng, con trai cụ Vũ Thị Hồng, cho biết: “Tôi cảm giác như có một trận sóng thần xảy ra ngay phía sau lưng khi điện bị mất, bụi bay mù mịt”.
Một người dân khác của thôn Khuôn 1 kể: “Lúc sang đến bên này ruộng, biết là sống rồi nhưng nhìn sang phía bên kia núi phế thải vẫn tiếp tục đùn xuống. Trông không khác gì sóng thần ở Nhật Bản với từng lớp bụi và đất đá. Thậm chí sáng hẳn rồi, dòng phế thải ấy vẫn tiếp tục đẩy đám ruộng tiến gần sang chân núi bên này”.
Chưa hết bàng hoàng sau khi thoát nạn từ đống phế thải, anh Hà Văn Hùng cho biết: “Trâu bò, lợn gà, thóc gạo đều bị vùi sạch, nhà thì không còn, tôi chưa biết sẽ làm gì để sống và cũng chưa biết ở đâu”.
Nguyễn Văn Khánh, là con trai duy nhất của nạn nhân Nguyễn Thị Thiện, kể: “Em đi làm thuê trên Thái Nguyên kiếm tiền gửi về cho mẹ. Nghe tin nhà bị sập, em chạy về nhưng chả còn gì. Đây là nơi nhà em ở, bị vùi đất đá hết rồi, dễ đến năm chục mét. Dù chẳng còn dấu tích gì của ngôi nhà nhưng em sinh ra ở đây, lớn lên ở đây nên em biết đây chính là ngôi nhà của mình. Em cũng chỉ muốn đặt bát cơm ở đây cho mẹ, từ hôm qua đến nay mẹ chưa được ăn gì...” - nói xong Khánh bưng mặt khóc.
Sống trên đá, chết vùi trong đá
Chị Vũ Thị Ân, người dân xóm Khuôn 1, hàng xóm của nạn nhân Nguyễn Thị Hoàn, cho biết: “Chiều hôm trước đi mót than với tôi, mẹ con chị Hoàn nhặt được nhiều lắm, dễ kiếm được đến 100.000 đồng, vất vả trên đống phế thải cả ngày nên chắc ngủ mệt không chạy đi được”.
Lập nghiệp và xây nhà ở xóm này từ cách đây hàng nửa thế kỷ, những người dân ở Phục Linh trong những năm gần đây không chỉ biết làm ruộng mà còn đi mót than từ đống phế thải của mỏ than Phấn Mễ để cải thiện cuộc sống. Trong rất nhiều câu chuyện được người dân kể về nỗi hãi hùng của buổi sáng định mệnh ấy còn có nhiều câu chuyện xót xa khác: “Chiều qua thằng con trai út nhà cô ấy (chị Hoàn) đánh nhau với bạn, hai mẹ con còn đưa thằng bé kia đi khám, giá ở lại bệnh viện với nhà thằng bé kia thì không chết, đúng là số khổ”.
Chị Nguyễn Thị Huệ, em ruột của chị Hoàn từ Phú Bình về tìm chị, em trai cùng hai cháu, nức nở: “Không chỉ có ngôi nhà, bốn người ruột thịt của tôi bị vùi lấp mà mồ mả cha mẹ tôi đến nay cũng không biết ở chỗ nào trong đống phế thải chất cao như núi thế này”.
Hoàng Điệp
Theo TTO