“Cần rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện đang xây dựng tại Việt Nam!”, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNcold), ông Phạm Hồng Giang thẳng thắn.
“Cần rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện đang xây dựng tại Việt Nam!”, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNcold), ông Phạm Hồng Giang thẳng thắn.
Đang khắc phục chưa bền vững
Đã có nhiều phương án được đưa ra để khắc phục sự cố nứt đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). Tuy nhiên, theo phân tích của VNcold, những giải pháp trên mới chỉ là giải pháp tình thế và không có tính hiệu quả bền vững.
PV đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch VNCold, GS.TSKH Phạm Hồng Giang về vấn đề này:
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCold).
Thưa ông, trước sự cố nứt đập thủy điện sông Tranh 2, ở Việt Nam đã có vụ nào tương tự?
Đã có nhiều sự cố vỡ đập, nứt đập xảy ra. Thời điểm những năm thập kỷ 90, tại Tây Nguyên, người ta tiến hành xây dựng nhiều hồ chứa nước để phục vụ tưới tiêu, sau đó xảy ra hiện tượng vỡ đập ở nhiều nơi.
Sau sự cố này là sự cố vỡ đập thủy điện Hố Ô, vỡ đập thủy điện tại Hà Tĩnh… Đó là những bài học đắt giá cảnh báo an toàn chất lượng công trình các dự án thủy điện nói riêng và các dự án thủy lợi nói chung.
Dự án thủy điện Sông Tranh 2 là dự án có quy mô lớn, nhưng lại để xảy ra sự cố đáng tiếc, đánh giá của ông về việc này, thưa ông?
Việt Nam có hàng trăm các dự án xây dựng nhà máy thủy điện được cấp phép, công trình lớn do Chính phủ cấp, còn lại, tỉnh cấp phép.
Hiện tượng sông Tranh 2 có phần hơi kỳ lạ vì đây là một công trình lớn. Do đó, việc xây dựng thiết kế kỹ thuật dự án, thi công… đều có sự giám sát rất chặt chẽ của nhiều đơn vị, chuyên gia.
Nếu như nói sự cố ở các đập thủy điện nhỏ không kiểm soát được thì có thể chấp nhận. Tuy nhiên, trường hợp dự án lớn cấp quốc gia như vậy là rất hiếm.
Đã có nhiều giải pháp đưa ra để khắc phục sự cố nứt đập hồ chứa của Thủy điện sông Tranh 2. Theo đánh giá của ông về mặt chuyên môn có khả thi hay không?
Theo tôi, các giải pháp hiện tại như đục các khe ở mái hạ lưu, trám xi-măng vào chỗ nứt là rất thô sơ và chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp mà theo đoàn thanh tra đưa ra theo tôi là khá thẳng thắn và tích cực.
Nguyên nhân bỏ sót một đường ống trong thân đập để dẫn nước về hạ du khiến nước trong thân đập dềnh lên và chảy tràn ra, theo tôi, đó có phải là lý do duy nhất hay không? Việc bỏ sót này cũng là lỗi kỹ thuật.
Có nhiều nguyên nhân khác, ví dụ như khe nhiệt, khe thi công nước chảy qua con đường đó, các khe đó tồn tại trong thân đập hiện nay là như thế nào? Dù nó ở vị trí tương đối thấp thì nước vẫn ra, vì theo nguyên lý nước chảy chỗ trũng…
Có những chỗ nước chảy ra ngoằn nghoèo, hạ du nhiều chỗ như thế, nhưng nhận định trong lòng đập và vỏ đập không có vết nứt… chứng tỏ đó không phải là lý do duy nhất.
Nếu như giải pháp khắc phục trên chỉ là tình thế, VNcold có đề xuất phương án nào khả thi hơn không, thưa ông?
Giải pháp triệt để là phải chống thấm từ mặt đập thượng lưu, không cho nước thấm vào đập. Yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt vì công nghệ xây dựng đập hồ chứa bằng bê-tông đầm lăn là loại ít xi măng, cho phép đổ với khối lớn nên tiến độ thi công là rất nhanh. Tuy nhiên, vì ít xi măng nên tính chống thấm của nó kém hơn so với bê-tông thông thường.
Có hai giải pháp: giải pháp làm khô bằng cách hạ mức nước hồ xuống, sau đó dán lớp màng chống thấm, sơn các loại sơn chống thấm đặc biệt quét lên bề mặt, hay phụt trên bề mặt các loại chất chống thấm đặc biệt để nó chèn các khe nứt…
Tuy nhiên, giải pháp này phải có thời gian và phải chấp nhận tổn thất về sản lượng điện vì nhà máy đang vận hành.
Giải pháp thứ hai là dán các loại chống thấm vào bề mặt đập ngăn hồ chứa nước. Giải pháp này đã được áp dụng thành công ở nhiều dự án nhà máy thủy điện trên thế giới (như ở Hy Lạp), nhưng chi phí rất tốn kém vì nguyên liệu này là nguyên liệu mới, sản xuất ở nước ngoài và phải có chuyên gia.
Tuy nhiên, cân nhắc giữa yêu cầu an toàn đập và các yếu tố khác thì chúng ta phải chấp nhận.
Thủy điện Việt Nam quy hoạch chưa hợp lý!
Thưa ông, trong những năm gần đây, quá nhiều dự án xây dựng nhà máy thủy điện được cấp phép tại Việt Nam. Đánh giá của ông về hiện tượng mật độ cấp phép xây dựng thủy điện dày đặc này?
Về mật độ các thủy điện, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, dư luận chung cũng có nhiều chiều, hầu hết là phản đối và nhất là người dân sở tại.
Lý do là, gây xáo trộn và ảnh hưởng nhiều vấn đề, trực tiếp là đời sống người dân bản địa, phải di dời, bàn giao đất cho dự án…
Nhưng ngược lại, trên thế giới không có nước nào có tiềm năng thủy năng mà lại không khai thác, nhất là khi sự thiếu hụt về năng lượng trước đây trông đợi rất nhiều ở điện hạt nhân, thế nhưng sau sự cố ở Fukushima và Trecnobin đã khiến người ta lo ngại.
Thủy điện là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo. Bản thân thủy điện không có tội gì. Lỗi là do chúng ta quản lý, quy hoạch và vận hành. Ở ta, quy hoạch ồ ạt và chồng chéo, chất lượng xây dựng không đảm bảo…
Thời gian qua, có rất nhiều dự án xây dựng nhà máy thủy điện ở Việt Nam bị chậm tiến độ. Thực trạng này có ảnh hưởng tới chất lượng công trình không, thưa ông?
Tất nhiên là có. Việc chậm tiến độ sau một thời gian khi thi công trở lại phải xử lý về kỹ thuật để các hạng mục nối tiếp giai đoạn trước được tiếp xúc tốt với nhau; làm dở sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, và khi nước lũ về sẽ cuốn hết.
Qua đây, các dự án thủy điện khác có cần rà soát lại chất lượng xây dựng để tránh các sự cố xảy ra không, thưa ông?
Việc rà soát lại các dự án thủy điện đang xây dựng là cần thiết, và đã có kiến nghị từ rất lâu rồi.
Các dự án xây dựng nhà máy thủy điện ở Việt Nam tập trung nhiều ở hai khu vực miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung, nơi địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, cắt xẻ mạnh và là bề mặt có nhiều đứt gẫy… Bài toán quy hoạch, theo ông như thế nào là hợp lý?
Các dự án thủy điện phải chọn các vị trí thích hợp có độ dốc lớn. Ở nước ta, khu vực miền Trung tập trung các sông ngòi dốc, lưu vực không lớn. Vì lưu vực sông ngòi hẹp nên chỉ cần một trận bão về nước sẽ dồn một chỗ gây nguy cơ lũ lớn.
Bản thân các đập lớn nếu được vận hành tốt cũng sẽ là giải pháp chống lũ. Tuy nhiên, vấn đề điều tiết của các hồ chứa của thủy điện cũng là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi từ trước đến nay.
Thưa ông, đối với sự cố nứt đập hồ chứa nước của Thủy điện sông Tranh 2, theo ông, thời gian và chi phí để khắc phục sự cố này có thể ước lượng là bao nhiêu?
Thời gian khắc phục sự cố, chi phí… phụ thuộc vào lỗi kỹ thuật, các vấn đề về an toàn đập, các biện pháp mà chúng ta lựa chọn… nên chưa thể ước lượng được những tổn thất về thời gian và kinh phí.
Xin cảm ơn ông!
Kiên Trung
Theo Vietnamnet