Có nhiều lý do để các mẹ thời hiện đại chọn bỉm cho việc chăm con được nhàn nhã hơn. Tuy nhiên, trước khi dùng bỉm cũng cần tìm hiểu cách sử dụng đúng để giúp bé thoải mái và khỏe mạnh.
Rất nhiều mẹ ca thán rằng, con của mình không thích dùng bỉm vì quá nóng, quá bức bối khó chịu. Có nhiều mẹ lại cảm thấy thương con khi phải đóng bỉm hàng ngày. Tuy nhiên, đó là việc dùng bỉm sai cách dẫn đến sự khó chịu cũng như tổn hại đến làn da của con trong quá trình sử dụng. Hãy biết cách trút bớt sự vất vả của việc giặt tã, giặt đồ, lau nhà, tạo mùi thơm nhẹ nhàng cho căn phòng của bé, giúp bé chơi vui và thoải mái hơn nhờ việc đóng bỉm đúng cách.
Các bước thay bỉm
Tùy vào túi tiền cũng như sự thích ứng của con để mẹ chọn được loại bỉm phù hợp. Tuy nhiên, ngoài việc chọn các loại bỉm mỏng, nhẹ, hạn chế mùi hương, bỉm có sử dụng chất liệu an toàn cho làn da của bé, mẹ cũng cần đóng bỉm đúng theo quy trình sau.
Trước khi thay bỉm, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 2 chiếc để nếu bé lỡ tè hoặc làm bẩn vào chiếc bỉm định thay, bạn cũng sẽ có ngay một chiếc thay thế. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị khăn lau, nước ấm, khăn khô và kem trị hăm phù hợp.
Cần thay bỉm đúng cách để bé cảm thấy thoải mái hơn khi dùng bỉm.
Tháo bỉm cũ ở phần dính hai bên, với bỉm quần có thể xé hai bên, nâng chân bé lên và nhấc bỉm từ phía trước dịch ra phía sau. Đặt khăn bông lót vào mông của bé, tiến hành dùng giấy ướt hoặc khăn mềm nhúng nước ấm vệ sinh nhẹ nhàng cho con. Chú ý nên lau từ trước ra sau. Sau khi lau dùng khăn đặt phía dưới lau khô cho bé.
Đặt bé trên bề mặt phẳng và đặt phần bỉm phía sau vào mông tính từ thắt lưng của bé. Với các em bé nhỏ có thể dùng tay để nâng đều hai chân tránh việc bé ngọ nguậy quá nhiều. Trước khi thay cần rửa tay sạch sẽ tranh truyền vi khuẩn từ tay bạn sang bỉm hay vùng kín của con. Khi đặt mông bé vào phần bỉm phía sau, tiếp tục kéo phần bỉm còn lại ra phía trước.
Nếu bé bị hăm hoặc có dấu hiệu mẩn đỏ ở vùng đóng bỉm, mẹ có thể dùng kem trị hăm bôi một lớp mỏng cho bé. Đợi khi kem thấm vào da thì tiến hành dán hai bên bỉm lại.
Cần có kem trị hăm để bôi kịp thời những vùng da mẩn đỏ do mặc bỉm.
Lỗi thường gặp của cha mẹ khiến con dễ bị hăm khi đóng bỉm
Có một sự thật rằng, có nhiều bậc cha mẹ đóng bỉm cho con 2 năm đầu đời nhưng con chưa từng bị hăm, và cũng có nhiều mẹ mới đóng bỉm chưa đầy 1 tháng con đã bị hăm rất nặng. Hãy chú ý đến việc sử dụng bỉm đúng cách để giúp con bạn cảm thấy thoải mái hơn khi dùng bỉm.
Bác sĩ Nhi khoa Ellen Schumann tại Weston, WI chia sẻ, đừng cảm thấy xấu hổ khi con bạn bị hăm. Bởi vì đơn giản, điều đó chỉ phản ánh một phần kỹ năng làm cha mẹ. Trong trường hợp con bạn bị hăm, tốt nhất nên lưu ý đến những nguyên nhân phổ biến như:
Do bé bị tiêu chảy lâu ngày.
Do bé phải mặc bỉm ướt sau khi tè quá lâu.
Bé bắt đầu ăn thức ăn đặc gây ra những thay đổi đáng kể trong việc thải phân ra ngoài.
Có thể do bé uống thuốc kháng sinh lâu ngày.
Hoặc bị nhiễm một loại nấm nào đó…
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên chọn bỉm có kích cỡ phù hợp với cân nặng của con. Cách đóng bỉm cũng cần lưu ý, không nên dán bỉm quá chật hoặc quá lỏng sẽ khiến bé vướng víu khi vận động.
Với những bé trai, nhiều mẹ thường đặt dương vật của con hướng lên trên khiến việc con đi tiểu trong khi ngủ bị rò rỉ nước tiểu ra ngoài. Hãy đóng bỉm cao hơn dương vật hoặc đặt dương vật hướng xuống dưới để đảm bảo con ngủ ngon hơn khi không bị đánh thức bởi việc đi tiểu tràn ra ngoài.
Cần chọn bỉm có kích cỡ phù hợp.
Làm thế nào để ngăn ngừa và điều trị hăm
Điều đầu tiên của cha mẹ khi mặc bỉm cho con chính là giữ cho làn da của bé sạch sẽ và khô ráo. Hãy chọn loại bỉm ít gây kích ứng da.
Cần vệ sinh sạch sẽ cho con ngay sau khi thay bỉm. Với các bé sơ sinh, cần thay bỉm ít nhất 8 – 10 lần/ ngày. Các bé lớn hơn, mẹ có thể kiểm tra bỉm cho con để tránh việc con đeo bỉm quá nặng và quá lâu sau khi đi vệ sinh.
Ba mẹ nên dùng tã siêu thấm cho con để đảm bảo không bị thấm ngược trở lại khiến da bé dễ bị mẩn đỏ và hăm.
Nếu sử dụng khăn lau cho bé khi thay bỉm, cần dùng khăn khô, mềm và không mùi. Tránh dùng các loại khăn lau có xả các hương liệu, chất hóa học hay để vùng kín của bé ẩm ướt khi đóng bỉm mới.
Tránh để vùng kín của bé ẩm ướt khi đóng bỉm.
Có nên đóng bỉm khi con bị tiêu chảy
Khi con bị các vấn đề về đường tiêu hóa sẽ dễ khiến vùng hậu môn và mông bị mụn đỏ, thậm chí bong tróc da. Trong trường hợp này bạn nên rửa cho con dưới vòi nước sạch thay vì dùng khăn lau khiến bé dễ bị kích ứng da. Dùng khăn bông ướt để thấm sau khi rửa sạch.
Bạn vẫn có thể cho con dùng bỉm nhưng cần chú ý thời gian con đi vệ sinh để lau rửa sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn cho bé khi để quá lâu.
Tránh sử dụng bỉm trong thời gian dài.
Tuy nhiên, bác sĩ da liễu Nhi khoa Adnan Mir tại Dallas cho biết, nếu bé bị mẩn đỏ lan rộng và đã xử trí bằng việc bôi kem chống hăm nhưng không đỡ, bạn có thể đưa bé đến bác sĩ gần nhất để khám và điều trị.
Mỹ Anh
Theo Webmd, Care