Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20 triệu tấn/ngày. Vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt và công nghiệp sẽ là thách thức ngày càng lớn trong những năm tới do tình trạng đô thị hóa cũng như sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Cụ thể, theo khảo sát phần lớn lượng rác phát sinh chủ yếu tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Theo ước tính, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20 triệu tấn/ngày. Vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt và công nghiệp sẽ là thách thức ngày càng lớn trong những năm tới do tình trạng đô thị hóa cũng như sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Việc quản lý và xử lý chất thải rắn đô thị nước ta đang còn rất lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp hoặc sử dụng các lò xử lý rác thải còn chưa đáp ứng được công suất và còn hạn chế nhiều về công nghệ. Hà Nội đang là thành phố có lượng rác trung bình tăng 15% mỗi năm, khối lượng rác thải ra môi trường lên tới 5000 tấn/ngày; TP Hồ Chí Minh có trên 7000 tấn mỗi ngày, ngân sách tiêu hủy rác mỗi năm lên đến 235 tỷ đồng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình xử lý chất thải rắn từ nay đến 2020 do Bộ Tài nguyên & Môi trường đệ trình. Theo đó, chương trình sẽ đảm bảo 70% lượng rác thải nông thôn, 80% rác thải sinh hoạt, 90% rác thải công nghiệp không nguy hại và 100% rác thải nguy hại phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt Đề án xác định, đến năm 2020 thì 95% lượng rác này phải được tái chế, tái sử dụng. Do đó, để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Việc thu gom rác tái chế rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ đang là hướng đi đúng nhằm tạo ra lượng phân hữu cơ phục vụ nền nông nghiệp sạch, đồng thời giúp giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường từ rác thải công, nông nghiệp và rác sinh hoạt.
Nắm bắt được xu thế trên, Viện nghiên cứu ứng phó Biến đổi khí hậu và môi trường đã thực hiện dự án “SỬ DỤNG RÁC TÁI CHẾ LÀM PHÂN HỮU CƠ ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ’’. Đây cũng là Dự án thuộc kinh phí bảo vệ môi trường thường xuyên của Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Dự án được thực hiện trên địa bàn của 3 quận là : Ba Đình, Long Biên và Hà Đông của thành phố Hà Nội. Trong đó đã tiến hành thí điểm tại quận Long Biên và Hà Đông. Lấy mô hình tại phường Bồ Đề, quận Long Biên làm mô hình điểm. Dự án đã liên kết với hội phụ nữ phường Bồ Đề tập hợp các hội viên tham gia mô hình trồng rau sạch tại nhà bằng phân bón hữu cơ tái chế từ rác thải. Tham gia dự án các hội viên được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kỹ sư tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ chế phẩm vi sinh để ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh. Ngoài ra dự án còn hỗ trợ một số dụng cụ khác như: thùng ủ, phụ gia ủ phân vi sinh, thùng tưới và một số loại giống rau…
Dự án đã được thực hiện trong vòng 4 tháng, thu hút được lượng hội viên tham gia một cách tích cực, sôi nổi. Qua tập huấn và thí điểm, dự án bước đầu được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác.
Có thể thấy, dự án “SỬ DỤNG RÁC TÁI CHẾ LÀM PHÂN HỮU CƠ ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ’’ đã góp phần vào việc tuyên truyền vận động và thay đổi ý thức bảo vệ môi trường đến từng hộ dân, hướng tới phần nào thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc hạn chế vứt rác thải sinh hoạt vào môi trường, đặc biệt là rác thải hữu cơ, một lượng lớn hàng ngày do quá trình sinh hoạt của các hộ gia đình thải ra lại vừa giúp tạo ra nguồn phân vi sinh để phục vụ người dân tự trồng rau sạch và cây cảnh tại hộ gia đình.
Văn Bình
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng